DI TÍCH LỊCH SỬ- VĂN HÓA ĐÌNH THẦN LONG ĐIỀN
Đình thần Long Điền tọa lạc tại thôn Long Phượng, TT.Long Điền, huyện Long Điền, được xây dựng đến nay đã gần 175 năm tuổi. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa-lịch sử địa phương, địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh cộng đồng của người dân Long Điền.
Ẩn mình giữa màu xanh của rừng cây cổ thụ có hơn trăm tuổi gồm các loại gỗ quí như: dầu, sao, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương… quanh năm sum suê, toả bóng mát rượi. Đình tọa lạc ở vị trí khá đẹp, trên gò đất cao hình mu rùa, người xưa gọi là Gò Đồn. Cổng mở ra phía Bàu Thành lộng gió, từ đây du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn những cánh đồng lúa tươi xanh, vườn cây ăn trái, làng quê trù phú, thanh bình.
Theo lời kể của các vị cao niên, Đình thần Long Điền xây cất cùng thời với Chùa Long Bàn. Trên cột xiên của đình có khắc dòng chữ Hán được phát hiện khi sửa chữa có ghi “Thiệu Trị ngũ niên tạo” (Xây dựng năm thứ 5 vua Thiệu Trị – 1845). Căn cứ vào tư liệu quý giá này Đình thần Long Điền được xây dựng vào năm 1845. Trải qua hơn 150 năm, Đình thần Long Điền đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng lớn nhất vào năm 1900 do hư hỏng nặng đình được làm lại hoàn toàn mới với qui mô bề thế hơn, với chất liệu gạch, đá, xi măng, mái lợp ngói. Năm 1945 do chiến tranh tàn phá và tiêu thổ kháng chiến, đình bị thiêu huỷ, mãi đến năm 1958 đình mới đựơc tôn tạo lại như hiện nay.
Kiến trúc Đình thần Long Điền gồm: cổng, tấm bình phong, tòa võ ca, tòa Chánh điện, nhà hậu, ngoài ra còn có đền thờ Tiên sư, nhà bếp và miếu thờ Thần Nông. Tại tòa Chánh điện ở bàn thờ trung tâm là nơi thờ Thành Hoàng hai bên là bàn thờ Tả ban và Hữu ban. Trong bài văn tế cầu an của đình vị Thành Hoàng được nhắc đến là “Thống kiểm soát nhân gian thiên hạ Đô Đại Thành Hoàng Đại vương” theo các vị kỳ lão cho biết, trước đây đình còn lưu giữ được sắc phong nhưng do chiến tranh tàn phá đình bị cháy vào năm 1946 nên hiện nay không còn.
Trong Đình Long Điền còn lưu giữ nhiều Bàn thờ, Bao lam, Cửa võng, Hoành phi, Câu đối… được chạm khắc, sơn son thếp vàng hết sức công phu, bởi các bàn tay nghệ nhân hết sức khéo léo tài hoa. Bằng phương pháp chạm lộng, chạm thủng trên chất liệu gỗ nhưng các nghệ nhận đã tạo nên những hình ảnh điêu khắc hết sức sống động: Lưỡng Long Chầu Nguyệt, Mai, Lan, Cúc, Trúc, dây nho…
Hàng năm Đình thần Long Điền tổ chức lễ hội Kỳ yên vào ngày (16, 17, 18 tháng 2 âm lịch) với các lễ chính: Thỉnh sanh, Túc yết, Đàn cả, Tiền hiền, Hậu hiền…Lễ Kỳ yên gắn liền với lễ hội nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà bình an, no đủ…
(Đình thần Long Điền được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Quyết định số 2554/QĐ.UB ngày 21/7/2005 công nhận là Di tích cấp tỉnh)
Theo: Sổ tay Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam thắng cảnh huyện Long Điền.
Ảnh: Amazing Vũng Tàu