LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG HÌNH ẢNH XƯA CỦA THỊ TRẤN PHƯỚC HẢI
Phước Hải là một cái tên mới mà cũ và gần đây không còn xa lạ với dân du lịch, đặc biệt là dân du lịch bụi. Có thể dễ dàng điểm danh những điểm đến cực HOT của Phước Hải như: Con đường hàu sữa, Đường bích họa, làng chài Phước Hải, Núi Minh Đạm, Đèo nước ngọt,… Nào cùng Ăn Chơi Vũng Tàu tìm hiểu một chút về lịch sử và ngắm nhìn hình ảnh xưa của Thị Trấn Phước Hải nhé!!!
Lịch sử hình thành Phước Hải được truyền đời qua câu chuyện lý thú và hấp dẫn. Chuyện kể rằng, vào khoảng năm 1725 – 1730, có một người tên Trần Văn Mầu đến vùng biển thuộc ấp Hải Lạc bây giờ khai phá đất hoang (hiện nay dân Phước Hải tôn ông là Tiền hiền, xây dựng lăng miếu hương khói quanh năm). Thuở ấy đây còn là vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, nhiều thú dữ. Hằng ngày ông vào rừng lấy dây mấu về đánh nhuyễn, đan thành sợi lưới, rê theo con nước lên xuống để đánh bắt tôm, cá.
Một số người dân thường ngày ra biển lấy vỏ sò về nung vôi, thấy ông rê được nhiều tôm cá, đời sống khá hơn, bèn bỏ nghề cùng ông đan lưới, đánh bắt hải sản, sinh cơ lập nghiệp. Dần dần nơi đây hình thành một xóm, gọi là xóm Lưới Rê – ngôi làng cổ nhất của xã Phước Hải và là một trong những ngôi làng cổ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau này, cuộc sống của người dân xóm Lưới Rê ngày càng thịnh vượng, tên xóm được đổi thành Hải Chữ. Đến thời Gia Long, Hải Chữ và Phước Điền được sáp nhập lại, gọi là Phước Hải thôn. Quá trình tụ cư lập nghiệp trên vùng đất lành cùng với sự phát đạt của nghề cá đã làm cho Phước Hải ngày một trù phú.
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Phước Hải là một xã thuộc quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa ký nghị định số 420-BNV/HCĐP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa (gồm các đảo Trường Sa, An Bang, Thái Bình (nguyên văn), Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Ai (nguyên văn), Sinh Tồn và các đảo phụ cận) vào xã Phước Hải.
Sau năm 1975, chính quyền sáp nhập quận Đất Đỏ với quận Long Điền thành huyện Long Đất, xã Phước Hải thuộc huyện Long Đất.
Ngày 30 tháng 10 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 71-CP. Theo đó, thành lập xã Lộc An trên cơ sở 461,7 ha diện tích tự nhiên và 1.461 người của xã Phước Hải; 1.181,8 ha diện tích tự nhiên và 512 người của xã Phước Long Hội; 176,7 ha diện tích tự nhiên của xã Láng Dài.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Phước Hải còn lại 1.415 ha diện tích tự nhiên và 18.358 người.
Ngày 9 tháng 12 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 152/2003/NĐ-CP. Theo đó:
Điều chỉnh 207,33 ha diện tích tự nhiên của thị trấn Long Hải về xã Phước Hải quản lý
Chuyển xã Phước Hải về huyện Đất Đỏ mới thành lập. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Phước Hải có 1.592,94 ha diện tích tự nhiên và 20.720 người.
Ngày 11 tháng 12 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 149/2006/NĐ-CP. Theo đó, thành lập thị trấn Phước Hải trên cơ sở toàn bộ 1.655,58 ha diện tích tự nhiên và 20.923 người của xã Phước Hải.
Mặc dù đã được điều chỉnh rất nhiều trong lịch sử lần về diện tích đất và con người, nhưng Phước Hải vẫn giữ được nét thanh bình, an yên, còn người dân thì vẫn chất phát, đôn hậu như vậy – họ vẫn một nắng hai sương và gắn liền với biển cả.
Ảnh sưu tầm
Nguồn Wiki và Ăn Chơi Vũng Tàu.