VIẾT LIỄN TẠI NHÀ LỚN LONG SƠN – NÉT ĐẸP VĂN HOÁ ĐƯỢC LƯU TRUYỀN HƠN TRĂM NĂM
Viết liễn tại Nhà Lớn Long Sơn là tục đã có hơn trăm năm kể từ ngày ông Trần (Lê Văn Mưu) xây dựng khu nhà lớn ở đất Long Sơn và được truyền qua nhiều thế hệ.
Theo thông lệ, mỗi năm 3 lần, vào Lễ Vía Ông (20-2 âm lịch), lễ Trùng Cửu (9-9 âm lịch) và Tết Nguyên đán (21 tháng Chạp), đến thăm Nhà Lớn, du khách sẽ bắt gặp những ông đồ đầu vấn khăn, mặc áo bà ba đen chỉnh tề ngồi viết liễn. Từng hàng, từng hàng chữ Nôm thẳng thớm, đẹp đẽ được đôi bàn tay thoăn thoắt của những ông đồ thảo lên giấy đỏ. Đa phần những câu đối được chọn viết liễn đều là những lời dạy của người xưa về nhân-lễ-nghĩa-trí-tin, giáo dục con người làm việc thiện, nói lời hay ý đẹp.
Như đã quen, cứ đến 21 tháng Chạp hằng năm, rất nhiều người lại đến Nhà Lớn Long Sơn để xem viết liễn cũng như xin liễn về nhà hoặc nơi kinh doanh, buôn bán để treo. Tuỳ theo ngành nghề kinh doanh, các ông đồ sẽ viết tặng du khách những câu đối mang ý nghĩa khác nhau. Trung bình mỗi dịp Tết, các ông đồ viết liễn tại Nhà Lớn Long Sơn sẽ viết khoảng 200 tờ liễn vuông, 60 tờ ngang, 300 đôi liễn dài để dán trong nhà lớn và các khu vực khác, thay cho những câu liễn đã cũ.
Trong số những ông đồ viết liễn tại Nhà Lớn, có những người đã hơn 60 tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng vẫn tỉ mẩn viết chữ, duy trì nét đẹp văn hoá. Để gìn giữ phong tục này, các ông đồ sẽ chọn ra những thanh niên theo đạo Ông Trần để chỉ dạy việc viết liễn. Vào mỗi dịp Tết, những em nhỏ sẽ được phụ giúp việc rọc giấy, pha mực, các thanh niên được chọn sẽ theo các ông đồ cao niên học chữ hoặc trực tiếp tham gia viết liễn cùng các ông đồ.
Có thể nói, Long Sơn là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được tục viết liễn đón xuân tại BR-VT nói riêng và ở các tỉnh phía Nam nói chung. Liễn viết tay tuy không có giá trị về mặt vật chất nhưng đây lại là thứ chứa đựng nét văn hoá truyền thống, thể hiện quan niệm và lối sống tốt đời đẹp đạo cũng như sự tài hoa của người viết.
Bài viết từ team Ăn Chơi Vũng Tàu