GHÉ THĂM NHÀ LƯU NIỆM NỮ ANH HÙNG HUYỀN THOẠI VÕ THỊ SÁU TẠI QUÊ HƯƠNG ĐẤT ĐỎ
Có dịp đến với Bà Rịa Vũng Tàu, bạn đừng bỏ lỡ một địa điểm tham quan đặc biệt ghi dấu người con, niềm tự hào của Đất Đỏ – ngôi nhà lưu niệm chứa nhiều dấu ấn của người anh hùng Võ Thị Sáu. Cùng Ăn chơi Vũng Tàu khám phá nhà lưu niệm của cô Sáu có gì ấn tượng nhé!
Cách di chuyển đến nhà lưu niệm Võ Thị Sáu
Nhà lưu niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu tọa lạc trên tỉnh lộ 23, xã Phước Long Thọ, Thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Để di chuyển đến nhà lưu niệm Võ Thị Sáu, bạn có thể tham khảo các phương tiện giao thông công cộng hoặc di chuyển bằng xe cá nhân. Dưới đây là một số lựa chọn phổ biến cho bạn:
- Xe buýt: Bạn có thể sử dụng các tuyến xe buýt số 03, 04, 28, 34, 37, 38, 48, 57, 93 để đến địa chỉ nhà lưu niệm Võ Thị Sáu. Bạn nên hỏi tài xế hoặc hướng dẫn viên để biết chính xác điểm dừng xe.
- Xe máy: Nếu bạn sử dụng xe máy, bạn có thể nhập địa chỉ nhà lưu niệm Võ Thị Sáu vào ứng dụng bản đồ trên điện thoại để tìm đường đi chính xác.
Xe ô tô: Nếu bạn di chuyển bằng xe ô tô, bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng bản đồ để tìm đường đi. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý các quy định về đỗ xe để tránh bị phạt.
Nơi tưởng nhớ nữ anh hùng huyền thoại của quê hương Đất Đỏ
Ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc truyền thống khi vẫn lưu giữ được nét bình dị của làng quê Việt Nam. Đồng thời là nơi lưu giữ kỷ niệm của người nữ anh hùng đã từng sinh sống thuở niên thiếu. Chị Võ Thị Sáu, sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo ở Đất Đỏ, cha làm nghề đánh xe ngựa, mẹ bán bì bún tại chợ Đất Đỏ; đầu năm 1946, thực dân Pháp trở lại chiếm các địa bàn tại Bà Rịa lần thứ hai, trong đó có Đất Đỏ. Chị Sáu lúc ấy cũng vừa tròn 11 tuổi, với bản chất thật thà, hiền lành và chất phát, yêu quê hương, đất nước, nên nhìn thấy những cảnh giết người, cướp của tàn bạo của bọn lính Pháp, trong lòng chị đã hình thành một ý chí căm thù mãnh liệt, sâu sắc bọn thực dân xâm lược.
Trước sự đau thương và mất mát của quê hương, đã thúc đẩy các tầng lớp nhân dân trong huyện tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó có chị Võ Thị Sáu; cuộc đời chị Sáu gắn bó cách mạng kể từ đó. Năm 1947, lúc 14 tuổi Sáu vừa làm nhiệm vụ mua hàng, vừa làm nhiệm vụ giao liên để nắm tình hình địch và làm mật hộ viên công an xung phong Đất Đỏ. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng chị rất mưu trí, lanh lẹ và chị luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Năm 1949, chị đã trở thành người đội viên công an xung phong Đất Đỏ. Chị đã dũng cảm, sáng tạo và luôn hoàn thành nhiệm vụ người chiến sĩ công an xung phong, tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, trong đó nổi bật nhất là trận đánh diệt tên cai tổng nổi tiếng ác ôn ở Đất Đỏ vào năm 1949 và dùng lựu đạn phá cuộc mít tinh tuyên truyền do Pháp thực hiện tại huyện. Vì vậy, bọn thực dân Pháp vô cùng lo sợ và căm tức đối với hoạt động của đội công an xung phong mà tiên phong là chị Võ Thị Sáu, nên từ đó, bọn chúng ra sức truy lùng ráo riết.
Vào tháng 12/1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, chị Sáu đã sa vào tay giặc, hơn một tháng bị giam giữ tại nhà tù Đất Đỏ và khám đường Bà Rịa, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không lấy được một lời khai nào của chị, sau đó bọn chúng đưa chị về giam giữ ở khám Chí Hòa. Mặc dù bị địch giam giữ nhưng chị Sáu vẫn tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám và cùng các chị, em trong tù đấu tranh buộc địch phải cải thiện cuộc sống trong nhà tù. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt và không nao núng của chị Sáu cùng những đồng chí trong tù, dù không đủ bằng chứng, nhưng thực dân Pháp cùng bọn tay sai vẫn kết án tử hình và đày chị ra Côn Đảo.
Là người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, trung thành, chị Võ Thị Sáu vinh dự được Đảng ủy nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là đảng viên chính thức.
Chị Võ Thị Sáu hy sinh vào sáng ngày 23/01/1952. Khi giặc Pháp đưa chị ra xử bắn, với nét mặt ung dung, bước đi vững chắc, ngẩng cao đầu, cất lên bài hát Quốc tế ca, với tinh thần lạc quan cách mạng, chị đã thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cộng sản.
Chị Võ Thị Sáu hy sinh đã để lại sự thương tiếc vô hạn đối với đồng chí, đồng đội và đồng bào; đồng thời sự hy sinh của chị là lời tố cáo đanh thép đối với sự dã man và âm mưu hèn hạ của chế độ thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Thông thường sau khi bạn đến dâng hương sẽ được nghe giới thiệu về nhà lưu niệm. Cùng với đó là được lắng nghe những câu chuyện xúc động về cuộc đời của chị Võ Thị Sáu. Đó là vẻ đẹp của một người phụ nữ hiên ngang, kiên cường, bất khuất và không bao giờ đầu hàng trước gian khó. Chị Võ Thị Sáu là người tử tù đầu tiên ở Côn Đảo cũng là người nữ tù nhỏ tuổi nhất, chị đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLL vũ trang nhân dân vào ngày 02/08/1993. Đó là tấm gương sáng của chị để lại cho chúng ta noi theo, chúng ta nguyện hết lòng ra sức phấn đấu rèn luyện về thể chất, nâng cao trình độ về mọi mặt để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương Đất Đỏ nói riêng và cả nước nói chung, đưa đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, văn minh và giàu đẹp.
Nơi đây vẫn còn lưu giữ các kỷ vật và bàn thờ gia tiên tại gian nhà ngoài. Với nền nhà đất, xung quanh ngôi nhà được che bằng hàng rào cắt tỉa gọn gàng và lợp ngói mái âm dương. Nhìn tổng thể diện tích địa điểm tham quan không quá lớn, nơi đây chỉ có chiều rộng khoảng 3m và chiều dài khoảng 10m, được chia vỏn vẹn thành hai căn phòng nhỏ.
Phòng ngoài rộng 5m và tại khu vực giữa gian phòng có để bàn thờ gia tiên và bàn thờ cô. Bên phải phía sát vách là chiếc giường ván gỗ – nơi chị em Sáu thường nằm ngủ. Phía trong là khu vực nghỉ của ông bà song thân. Hai căn phòng được nối với nhau bằng một hành lang nhỏ thông ra phía sau nhà.
Cách đó không xa, huyện Đất Đỏ đã quyết định xây dựng đền thờ nữ anh hùng Võ Thị Sáu vào năm 2001. Đặt chân đến đền thờ, bạn sẽ thấu hiểu hơn về cuộc đời của chị Võ Thị Sáu.
Nơi đây có trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động của chị. Đó là khoảng thời gian từ lúc chị bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng đến khi bị bắt và hy sinh. Cùng với đó là một số hình ảnh về quê hương Đất Đỏ.
Cách đó khoảng 100m là Công viên tượng đài và Đền thờ anh hùng Võ Thị Sáu. Tượng đài bốn mùa ngát hương thơm của hoa sứ, hoa ngọc lan và hoa Lekima. Hình ảnh chị Sáu ung dung ra pháp trường, tà áo tung bay trong gió khiến ta không khỏi xúc động.
Bước ra khỏi những cuộc vui nhộn nhịp, xô bồ, bạn hãy dành thời gian để lòng mình lắng lại. Ngôi nhà tưởng niệm người Anh hùng Võ Thị Sáu chính là nhân chứng còn sót lại giúp ta ngược dòng lịch sử để thấu hiểu hơn về cuộc đời đầy kiên cường, bất khuất của chị. Để rồi từ đó, ta càng thêm tự hào, yêu quý quê hương, đất nước.
Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.