BẠCH DINH – DINH THỰ KIỂU PHÁP MANG HƠI HƯỚNG ĐỊA TRUNG HẢI

18/09/2021
#Ăn Chơi Vũng Tàu #Bạch Dinh #Vũng Tàu
BẠCH DINH – DINH THỰ KIỂU PHÁP MANG HƠI HƯỚNG ĐỊA TRUNG HẢI

Bạch Dinh – theo tiếng Pháp là Villa Blanche – biệt thự trắng – là một toà dinh thự kiểu Pháp mang hơi hướng Địa Trung Hải nằm bên sườn núi Lớn của thành phố Vũng Tàu tại địa chỉ số 4 đường Trần Phú, P.1, TP. Vũng Tàu.

1. Kiến trúc Bạch Dinh

Mặt trước dinh hướng ra biển, lưng tựa vào núi tạo cho công trình một thế vững chắc. Bạch Dinh là tòa nhà 3 tầng, cao 19m, dài 25m, toàn bộ ngôi nhà được quét vôi trắng, cửa mái vòm, mái lợp ngói. Toà nhà có vẻ ngoài nổi bật với nghệ thuật trang trí bằng các chi tiết sành sứ, ghép mosaic đậm tính chất nghệ thuật La-Hi bắt mắt và hấp dẫn.

Bạch Dinh được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902, từng dùng là nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và các nhân vật cấp cao của thời Việt Nam Cộng Hoà. Nơi đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp làm nơi giam lỏng vua Thành Thái từ ngày 12 tháng 9 năm 1907 đến năm 1916.

Vật liệu để trang trí Bạch Dinh chủ yếu là sứ tráng men. Bốn mảng tường ngoại thất là dãy các vòm bán cung nối tiếp nhau, diềm đậm bằng cuốn vòm gạch trần đỏ và các motif hoa văn bằng sứ. Đặc biệt là diềm mái toà nhà trang trí bằng nghệ thuật mosaic khảm ghép thành những gương mặt phụ nữ châu Âu xinh đẹp, đôi chim công cùng dây hoa lá mang âm hưởng Địa Trung Hải. Từng chi tiết sắc sảo tôn lên vẻ đẹp của Bạch Dinh.

Tráng lệ đặc sắc hơn nữa là sự kết hợp trang trí tám bức tượng bán thân bằng sứ men giả đồng theo phong cách Hy Lạp-La Mã chạy bao quanh 3 mặt tường trên tầng lầu, là điểm nhấn trang trí kiến trúc đặc sắc nhất của Dinh thự. Vì các mảng mosaic trang trí có tráng men ánh kim hoặc bằng thuỷ tinh cùng với độ bóng của men sứ trang trí, nên lúc bình minh hay chiều tà, ánh nắng chiếu vào khiến mặt tiền toà nhà càng thêm lấp lánh, tráng lệ diệu kì.

2. Nội thất Bạch Dinh

Hơi lệch so với ngoại thất, nội thất toà nhà mang hẳn phong cách Art Déco thịnh thời đầu TK XX với việc đơn giản hoá các phào chỉ trang trí, nghệ thuật sắt uốn trên cầu thang v.v… Đồ dùng nội thất ngoài các món đồ từ thời Pháp còn được bổ sung thêm về sau với các món trang trí đậm chất Việt Nam như bộ Tràng Kỷ, tượng Tam Đa…

Nhìn chung, tuy hiện nay toà nhà không còn là nơi an dưỡng của các nhân vật đặc biệt và thiên về tính năng bảo tàng, toà nhà vẫn không mất đi vẻ đẹp nguyên thuỷ và vẫn còn bền vững với thời gian, dù cho cảnh quan xung quanh đã có phần bị xâm hại. Toà nhà là một địa điểm di sản cần phải tới thăm khi đặt chân tới thành phố biển này, ngôi nhà lớn ở mũi Ô Cấp.

Bài viết của thành viên trong Group Ăn Chơi Vũng Tàu

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status