DI TÍCH NHÀ TRÒN BÀ RỊA

21/10/2021
#Bà Rịa #DI TÍCH NHÀ TRÒN BÀ RỊA
DI TÍCH NHÀ TRÒN BÀ RỊA

Từ cầu Long Hương bắc qua dòng sông Dinh êm đềm uốn lượn chảy giữa lòng thành phố Bà Rịa, bạn đã thấy ngay Nhà Tròn, một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng Bà Rịa. Nhà Tròn tên gọi quen dung của nhân dân Bà Rịa. Để gọi tên tháp nước hay lầu nước (Chatoau deau) được chính quyền thực dân Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ, sau khi xâm lược và đặt nền móng đô hộ nước ta.

Nhà Tròn chiếm một vị trí quan trọng, nổi bật giữa trung tâm hợp điểm của 2 đường 27/4/1975 ( Lê Lợi cũ) và đường Cách mạng tháng tám (Thành Thái cũ). Nhà tròn là điểm giao lưu chính của các con đường: với lộ 15 ở phía Tây là con đường chính nối liền Sài Gòn, Biên Hòa qua Bà Rịa đến Vũng Tàu; Phía Bắc từ Xuân Lộc theo lộ 2 đổ về; Phía Đông từ Đất Đỏ theo tỉnh lộ 23 và Phía Nam từ Long Hải theo đường 44 ra tỉnh lộ 23 xuống. Nhà Tròn còn là một đài quan sát từ xa rất tốt.

Năm 1945 sau khi đảo chính Pháp, phát xít Nhật cho đặt một bộ hệ thống loa báo động gồm 6 cái bên dưới bồn nước (nay vẫn còn). Hiện nay, Nhà tròn có thêm các loa truyền thanh của đài truyền thanh huyện Châu Thành. Chung quanh Nhà Tròn là một loạt các công sở, biệt thự do Pháp xây dựng với các đường nét kiến trúc cổ: Hội đồng xã Phước Lễ (nay là UBND thị trấn Bà Rịa), nhà dành riêng cho sĩ quan.

Năm 1954, nơi đây là trụ sở của Thanh niên tiền phong Bà Rịa (nay là Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành). Bungalow, nơi ăn uống vui chơi dành riêng cho sĩ quan gần giống như khách sạn (nay là Công đoàn huyện Châu Thành), trụ sở sĩ quan gần giống như khách sạn (Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện Châu Thành). Hai dãy phố chạy song song Nhà Tròn, cùng với chợ cũ, bến xe đối diện với Nhà Tròn về phía sông Dinh là Trung tâm thương mại sầm uất thời bấy giờ. Hiện nay, chợ cũ và bến xe không còn. Khoảng đất đó giờ là quảng trường huyện Châu Thành với một bia đài liệt sĩ và một lễ đài được xây dựng cạnh sông Dinh.

Chiều cao Nhà Tròn từ chân lên đỉnh khoảng 20 m kể cả bồn chứa nước phía trên có mái che bằng tôn, đường kính 7,20m. Bồn chứa nước trụ trên tám trụ đứng bằng xi măng cốt sắt, liên kết với nhau bởi các xà ngang. Có 2 ống dẫn nước lên bồn và 1 ống dẫn xuống, một thang sắt dung cho lên xuống bồn.

Ngoài ra, dưới chân Nhà Tròn có một nhà bát giác, cạnh dài 6m, cao 4m, bao quanh 8 trụ đứng Nhà Tròn.

Trong thời Việt Nam Cộng Hòa, ngôi nhà này là trụ sở của cục cảnh sát thị trấn Bà Riạ. Sau giải phóng do hư hại vì pháo đạn có tu sửa lại.

Ngày 25/8/1945, hơn 1 vạn quần chúng nhân dân từ các địa phương trong vùng về đây tham gia cướp chính quyền. Mọi người náo nức khi chứng kiến tỉnh trưởng Lê Thành Long và quan hai Nhật Sa Tô trao quyền đại diện cho cách mạng và cam kết tôn trọng quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên chính quyền cách mạng lâm thời của tỉnh Bà Rịa được thành lập và ra mắt quần chúng.

Ngày 1.5.1975 tại Nhà Tròn nhân dân thị xã một lần nữa tổ chức lễ kỷ niệm trọng đại thống nhất đất nước với sự chứng kiến của hơn 2 vạn chiến sĩ đồng bào. Cả thị xã tràn ngập cờ hoa rực rỡ nhân dân hân hoan đón chào ngày đất nước thu về một mối.

Ngày 15/5/1975 cùng với cả nước, cũng tại khu vực này, một cuộc mítting quy mô được tổ chức trọng thể chào mừng đại thắng mùa xuân giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, các đoàn đại biểu các tầng lớp quần chúng nhân dân lại nô nức kéo về: từ Long Tân, Đất Đỏ, Tam Long, dọc lộ 23, lộ 15 Long Sơn, Bà Trau, Xuyên Mộc…cùng với các đơn vị chủ lực quân giải phóng, lực lượng vũ trang Bà Rịa, đến dân quân du kích hơn hai vạn người tràn ngập trung tâm và ngoại vi thị xã trong không khí sống chan hòa niềm vui sướng. Khẩu hiệu, cờ xí rợp trời thị xã. Trước lễ đài mới xây cạnh sông Dinh đối diện Nhà tròn, quần chúng, các đoàn đại biểu tề tựu đông đủ chờ khai mạc. Cạnh Nhà Tròn bia đài “Tổ quốc ghi công” cũng vừa mới xây, các đ/c bộ đội trang nghiêm đặt tràng hoa “Đời đời nhớ ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này”.

Trải qua hơn 1 thế kỷ, Di Tích Nhà Tròn vẫn giữ nguyên vẻ ban đầu như một nhân chứng của các sự kiện trọng đại dân tộc Việt Nam nói chung và thành phố Bà Rịa nói riêng. Nơi đây giờ đã trở thành điểm sinh hoạt của đoàn Thanh niên. Di tích một lần nữa không tách rời cuộc sống, cùng hoà hợp với sự chứng kiến từng bước trưởng thành tiến bộ của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Nguồn ảnh Internet

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status