DINH BÀ CỐ VẺ ĐẸP HOANG SƠ VÀ KỲ BÍ
Chạy ngang qua cánh đồng lúa Tam Phước (huyện Long Điền), con đường bình yên rợp bóng cây râm mát dẫn du khách về Dinh Bà Cố và Tổ Đình Thiên Thai – hai di tích, danh thắng nằm kề nhau dưới chân núi Dinh Cố.
Núi Dinh Cố được ví như một “chiếc nón khổng lồ” úp giữa cánh đồng Tam Phước, huyện Long Điền. Trên đỉnh núi Dinh Cố có một ngôi miếu được xây dựng công phu. gọi là Dinh Bà Cố, tương truyền là miếu thờ một hiền nữ. Mặc dù bức tranh vẽ ngôi miếu nhỏ ngày xưa bị chiến tranh, bom đạn làm cho hoen ố nhưng những dòng lược sử miễu Bà Cố vẫn còn nguyên vẹn: “Do hai câu thơ này: Hoành sơn nhứt khúc; Vạn đại linh thiêng (tạm dịch: Hoành sơn một dải, muôn đời linh thiêng) nên có bậc siêu nhân ẩn trong núi để tu hành. Thấy nhóm thương thuyền người Thanh xuống biển Nam Hải gặp cơn gió bão, thuyền sắp chìm , Bà xuất thần lộ diện. Nhóm thương thuyền, trong đó có văn sĩ Điền Sơn, lúc về đã viết một bài thơ (bài thơ này vẫn còn được treo ngay cổng tại Dinh Bà Cố) để tạ ân Bà. Rồi từ đó bà xuất hiện thường xuyên hơn, mấy vị kỳ lão vái van đâu được đấy…”. Theo nhân dân Tam Phước, ngọn núi này vì có Bà mà trở nên linh thiêng.
Dinh Bà Cố xây dựng cách đây hơn 250 năm và “Hương thơm bay khắp núi này/ Gần xa đến viếng, ngày nay lưu truyền” nên Dinh Cố ngày càng được nhiều khách du lịch biết đến.
Nhưng một phần do bom đạn của chiến tranh làm hư hại nên Hội làng (gồm có 24 người làm công việc trông nom và tổ chức lễ hội hàng năm ở Dinh Cố) đã nhiều lần tổ chức sửa sang lại. Năm 1987, Dinh Bà Cố được xây thêm nhà khách và sân khấu võ ca để phục vụ khách thập phương trong những ngày diễn ra lễ hội. Lễ vía Bà Cố được tổ chức trong hai ngày 22 và 23-3 (âm lịch), có chiêng trống, có học trò lễ và ba năm một lần có biểu diễn những vở tuồng cổ, tuồng tích. Ông Huỳnh Văn Lành, một thành viên Hội làng, cho biết: “Mỗi năm, ngoài dịp vía Bà thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương đến xin lộc buôn bán, làm ăn và các hiệp hội bạn đến cúng viếng thì vào dịp cuối tuần hay lễ Tết, Dinh Cố cũng có đến khoảng 100 khách mỗi ngày tới tham quan, tìm hiểu”.
Rời Dinh Cố, sau khi chiêm ngưỡng toàn cảnh đồng bằng trù phú từ độ cao khoảng hơn 80m, men theo những bậc tam cấp uốn quanh núi Dinh Cố, du khách có thể tới tham quan ngay một di tích, danh thắng là Tổ đình Thiên Thai nằm ở phía Bắc chân núi này. Sở dĩ chùa Thiên Thai được gọi là Tổ đình vì đây là nơi ra đời của Thiên Thai Thiền Giáo Tông (năm 1935) với tờ ngôn luận “Bát Nhã âm” tuyên truyền chấn hưng Phật giáo. Chùa Thiên Thai do sư tổ Huệ Đăng tạo dựng từ năm 1922. Toàn bộ khuôn viên chùa rộng khoảng 6ha bao gồm: tam quan, chánh điện, giảng đường, nhà hậu, bát quái đài, thạch đồng và vườn tháp. Tổ đình Thiên Thai được nhiều người biết đến không chỉ bởi cảnh quan, kiến trúc mà còn từ những câu chuyện gắn với người sáng lập chùa.
Sư tổ Huệ Đăng tên thật là Lê Quang Hoá, quê ở Bình Định. Ông tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ 19. Sau cuộc khởi nghĩa ở Sông Cầu, Phú Yên bị thất bại, nhiều người bị bắt, bị tù đày, tìm đường vào Nam, đến Gò Công và dạy học. Sau đó ông xuất gia, quy y với hoà thượng Hải Lộ ở chùa Long Hoà-TX. Bà Rịa được pháp tự là Thiện Thức, pháp danh Huệ Đăng. Một thời gian sau, Huệ Đăng được cử làm trụ trì chùa Kiên Linh và Phước Linh ở TX. Bà Rịa. Sau khi hoà thượng Hải Lộ qua đời, năm 1918, ông về khai phá Thạch Động ẩn tu dưới chân núi Dinh Cố. Theo tâm niệm của ông, việc duy trì Phật pháp chính là mở rộng việc hoang hoá lợi sinh, giáo dục thiên tính, gieo trồng duyên lành cội phước. Năm 1934, để đáp lại tấm lòng của sư tổ, sau khi ông qua đời, các môn đệ trong vùng quyết tâm xây dựng toà thiên bảo tháp cho Huệ Đăng. “Hàng năm, lễ giỗ sư tổ Huệ Đăng được tổ chức trang trọng trong hai ngày ngày 10 và 11-7 (âm lịch) với sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và khách từ các tỉnh lân cận đổ về”, thầy Phước Lực, 71 tuổi, một sư thầy ở Tổ đình Thiên Thai, cho biết.
Phong cảnh đẹp, gắn liền với những câu chuyện cảm động nên Dinh Cố và Tổ đình Thiên Thai ngày càng được nhiều du khách biết đến. Thời gian gần đây, hai thắng tích này cũng thường xuyên có mặt trong các tour của các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để đưa du khách đến tham quan.
Bài viết: Hữu Minh ( báo BR-VT)
Ảnh: Amazing Vungtau