GHÉ THĂM DI TÍCH NHÀ CÔNG QUÁN – DẤU ẤN VĂN MINH CUỐI CÙNG CỦA PHÁP TRÊN CÔN ĐẢO
Côn Đảo là một hòn đảo có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Với cánh rừng nguyên sinh có hệ động thực vật đa dạng cùng những dải san hô muôn màu ẩn mình dưới lớp nước xanh trong vắt, Côn Đảo được bình chọn là một trong 10 hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh do tạp chí du lịch Lonely Planet khảo sát.Là hòn đảo chứng kiến những quá khứ đau buồn của chiến tranh, Côn Đảo đón du khách xa gần muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ cũng như tìm hiểu về quá khứ huy hoàng của ông cha. Và một địa điểm tham quan không thể bỏ qua là di tích Nhà Công Quán – một Di tích Quốc gia Đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận vào ngày 10/05/2012.
Côn Đảo – từ vùng đất thiêng chuyển mình thành khu du lịch nghỉ dưỡng quyến rũ nhất hành tinh
100 năm là khoảng thời gian Côn Đảo được sử dụng để giam giữ và lưu đày hàng vạn tù nhân chính trị đấu tranh cho quyền độc lập, tự do và thống nhất. Những hình phạt thảm khốc và man rợ của ngày xưa được chính quyền tái hiện lại ở trong những khu di tích luôn khiến du khách “rợn da gà” khi chứng kiến.
Du khách ngoài đến đây để tìm về cội nguồn thì rất thích khám phá thiên nhiên trên đảo. Hệ sinh thái ở đây rất đa dạng với nhiều loại động thực vật phong phú, từ trên rừng đến dưới biển. Đến đây, bạn có thể trải nghiệm các dịch vụ lặn ngắm san hô hay vi vu du thuyền 2 thân đến các hòn đảo nhỏ ngoài khơi vịnh Côn Sơn.
Di tích Nhà Công Quán – điểm tham quan thú vị khi đến Côn Đảo
Ngoài các điểm tham quan nổi tiếng trên Côn Đảo, di tích Nhà Công Quán cũng là một địa điểm tham quan khá thú vị. Khu di tích nằm ngay trung tâm thị trấn Côn Đảo, trên đường Tôn Đức Thắng. Nhà Công Quán nằm phía trước dinh thự chúa Đảo, cạnh lối bước ra cầu tàu 914. Đây là ngôi nhà khách do Pháp xây dựng với diện tích 150m2 cuối thế kỷ XIX, là nơi nghỉ ngơi của các lữ khách khi đến đây làm nhiệm vụ.
Theo dòng lịch sử, nhà Công Quán gắn với sự kiện đại nhạc sĩ kỳ tài nước Pháp Camille Saint Saens đã ở đây một tháng theo lời mời của một người bạn cũ và chúa đảo Jacke. Ở đây, chúa đảo đã đón tiếp ông như một thượng khách. Trong khoảng thời gian ở đây, ông được tham quan khám phá thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Ông không tiếc lời khen ngợi thiên nhiên và hệ sinh thái trù phú trên hòn đảo.
Ông đã chứng kiến cảnh tù nhân bị ngược đãi man rợ như thế nào cũng như sự bóc lột tàn bạo của quan sai nhà Pháp. Người ta nói rằng, trong đêm cuối cùng ở lại Côn Đảo, Camille Saint Saens đã tìm đến ngục tù Bange I. Khi nghe được tiếng đàn nhị so dây phát ra từ ngục tù ẩm mốc, xen lẫn với tiếng xiềng xích, ông đã rất bất ngờ mà cũng vô cùng cảm kích. Điều kiện sống tồi tàn, thân xác bị hành hạ, nhưng những người ngục tù nơi đây vẫn vô cùng lạc quan và tràn đầy nhựa sống. Chính nhờ những xúc cảm của đêm hôm ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để ông hoàn tất chương cuối của vở nhạc kịch “Brunehilda”.
Ông cũng gửi gắm nhiều tâm tư của mình cho chúa đảo Jacke, về thiên nhiên tráng lệ cũng như sự xót thương dành cho những tù nhân người Việt. Là một người nghệ sĩ Pháp, được sự đón tiếp nồng hậu của chúa đảo ở một vùng đất thuộc địa, ông đã không ngần ngại lên án những tội ác của chính người Pháp. Cảm kích trước tấm lòng của ông dành cho những người Việt, Ban Quản lý Di tích Lịch sử Cách mạng Côn Đảo đã đẩy mạnh việc sưu tầm và trưng bày những kỷ vật của người nghệ sĩ đáng kính này.
Tại nhà di tích Công quán có hai căn phòng nhỏ để trưng bày lưu niệm vị nhạc sĩ với diện tích 36,9m2. Hai phòng nhỏ này được chia thành hai khu trưng bày với tiểu sử, sự nghiệp của Camille Saint Saens và Dấu ấn Côn Đảo, nơi giới thiệu đặc biệt về khoảng thời gian ông ở đây. Ở khu trưng bày tiểu sử có đặt tượng bán thân của nhạc sĩ, cùng những dòng trích trong bức thư ông gửi cho chúa đảo trước khi rời đi: “…Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp”, cùng những hình ảnh tái hiện lại cuộc đời của vị nhạc sĩ tài ba. Căn phòng trưng bày Dấu ấn Côn Đảo in hình các trại tù Bangle I cùng những cảnh khổ sai khi xây dựng cầu tàu, khuân vác, lấy san hô,…
Phòng trưng bày còn dành một mảng giới thiệu về thành tự kinh tế – văn hóa – xã hội,… mà Côn Đảo đã và đang phát triển sau hơn 100 năm kể từ ngày vị nhạc sĩ người Pháp đến đây. Nơi đây cũng trưng bày những hình ảnh về thiên nhiên hùng vĩ cùng những gì Đảng bộ, quân và dân khi quyết tâm xây dựng Côn Đảo thành một hòn ngọc theo mục tiêu của đề án phát triển kinh tế – xã hội.
Côn Đảo vẫn luôn là hòn đảo được rất nhiều du khách ưa thích. Ngoài tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nhiều người tìm về đây để bày tỏ lòng biết ơn và yêu thương sâu sắc đến những người chiến sĩ đã nằm xuống để bảo vệ tổ quốc. Nếu bạn có dịp đến đây, cũng đừng quên ghé Di tích Nhà Công Quán – dấu ấn văn minh cuối cùng của Pháp nhé!
Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.