GHÉ THĂM ĐÌNH THẦN LONG HƯƠNG – NƠI LƯU GIỮ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CỦA TP BÀ RỊA
Trên khắp dải đất mang hình hài chữ S, đâu đâu cũng có những nét văn hóa đặc trưng. Và với người dân làng Long Hương, đình thần Long Hương đóng giữ một vai trò tinh thần rất quan trọng. Nếu bạn có dịp ghé đến Tp. Bà Rịa, đừng bỏ qua di tích lịch sử văn hóa này nhé!
Làng quê nghèo khó Long Hương
Long Hương là một làng quê có hơn 300 năm tuổi ở vùng đất Bà Rịa. Buổi đầu thành lập, người dân nơi đây gặp phải nhiều khó khăn và thử thách. Từ thiên nhiên khắc khổ đến những mối đe dọa từ muông thú, bệnh tật, khiến cuộc sống nơi đây trở nên vất vả bộn phần. Có lẽ vì vậy, người dân nơi đây rất yêu thương và đùm bọc nhau, hình thành lên những tín ngưỡng gắn liền với đời sống và xem đó là điểm tựa trong cuộc sống. Đến tận bây giờ, người dân làng Long Hương vẫn luôn giữ vững nét truyền thống đó của cha ông ngày xưa.
Làng quê nghèo khó này cũng là một trong những nhân chứng lịch sử quan trọng của nước nhà. Trong chín năm nhân dân Việt chống Pháp, mái đình Long Hương đã là nơi che chở, nuôi giấu các cán bộ hoạt động cách mạng. Đến thời kỳ đánh Mỹ cứu nước, nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng nên Mỹ, Ngụy luôn tìm mọi cách để thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược.
Đình thần Long Hương – di tích với hơn 200 năm tuổi
Đình thần Long Hương, trước đây gọi là đình làng Phước An, Tổng An Phú Tân được xây dựng từ năm 1850 trên một gò đất rộng gần 1970 mét vuông. Ngày đầu lập đình làng, người dân còn nghèo khó nên chỉ dựng đình bằng khung tre mái lá. Đình được xây dựng theo hình dáng chữ Tam, tựa lưng vào núi, nhìn ra sông Dinh. Theo thời gian, cùng sự tu sửa của dân làng mà đình dần dần có được vóc dáng uy nghiêm như hôm nay.
Khu kiến trúc đình làng có cổng đình, sân khấu võ ca, chánh điện, tiền hiền, hậu hiền, nhà bếp. Bên phải đình thờ Bạch Mã thái giám, bên trái thờ bà Thiên Hậu và nhà đãi khách cùng nhà kho. Cổng đình cao 3.2m, rộng 4m, được trang trí với “Lưỡng Trong Tranh Châu” làm bằng sành sứ và hai câu đối trên hai trụ “MÔN TĨNH BIẾN ĐỨC HẠNH VẠN PHƯƠNG – QUÂN THẦN LINH CHÂU LỤC GIÁP”. Trước cổng đình có cây cầu nhỏ bắc ngang qua rạch con sông Dinh, phía sau cổng đình là sân khấu võ ca.
Sân khấu có diện tích 25x28m, là nơi tổ chức văn nghệ và phần hội hè. Chánh điện gồm ba gian hai chái, gian giữa đình thờ THẦN HOÀNG BỔN CẢNH, chỉ được mở cửa khi có hội hè. Chánh điện thông với Tiền hiền và Hậu hiền, nơi thờ những người có công quy dân, lập ấp và những người có công xây dựng những công trình đặc biệt trong làng. Ở hai bên Tiền hiền và Hậu hiền đều có hai bộ Livang có chức năng là nơi nghỉ ngơi của các quan lớn khi đến dự lễ.
Với người dân Long Hương, đình thần là nơi uy nghiêm và rất linh thiêng. Theo lời các bô lão trong làng kể lại, đầu năm 1946, đình thần Long Hương bị đốt để tiêu thổ kháng chiến nhưng ngọn lửa bị dập tắt ngay sau đó. Dấu tích của ngày hôm đó vẫn còn lưu lại trên tấm liễn và bàn thờ trong chính điện.
Là một trong những công trình văn hóa đặc biệt của người dân làng Long Hương, đình thần mỗi năm đều tổ chức 4 lệ cúng: lễ cúng Bầu Ông (tổ chức vào ngày 10 tháng giêng), lễ cúng Miếu Bà Thiên Hậu và Ngũ Hành (ngày 23 tháng 3 âm lịch), lễ cúng Tiền hiền (11 tháng 5 âm lịch), lễ cầu an (ngày 15, 16, 17 tháng 11 âm lịch). Lễ cầu an là lễ cúng lớn nhất của đình làng. Một lễ khác không kém phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân đình làng là lễ “Thỉnh sắc”. Vào ngày này, nhiều hộ gia đình cũng bày mâm cúng rước đoàn thỉnh sắc đi ngang.
Nếu một lần đến Bà Rịa Vũng Tàu, bạn hãy một lần ghé đến tỉnh Long Hương là tham quan di tích Đình thần Long Hương. Nơi đây sẽ mở ra một trang sách về những nghi thức lệ đình truyền thống, những trang sử vang danh và là văn hóa tinh thần, niềm tin, khát vọng của người dân Long Hương nơi đây.
Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.