HÀNH TRÌNH 10 NGÀY “ĐỠ ĐẺ” CHO RÙA CÔN ĐẢO

27/12/2021
#Côn Đảo
HÀNH TRÌNH 10 NGÀY “ĐỠ ĐẺ” CHO RÙA CÔN ĐẢO

Biết đến chương trình bảo tồn rùa biển do Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN thực hiện từ 3 năm trước nên ngay khi có thể thu xếp thời gian tham dự chương trình năm nay, bạn KhangDerlust quyết định nộp đơn để tham gia chương trình vô cùng ý nghĩa này. Các bạn tình nguyện viên sẽ được phân công nhiệm vụ tại 4 khu vực bao gồm: hòn Cau, hòn Tre lớn, hòn Tài, trạm kiểm lâm Bảy Cạnh (hòn Bảy Cạnh)Khang nhận nhiệm vụ “đỡ đẻ” cho Rùa Côn Đảo ở trạm kiểm lâm bãi Dương – nơi tựa mình vào cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật đa dạng.

Bãi Dương Cũng thuộc hòn Bảy Cạnh nhưng nếu không phải dân địa phương thì sẽ hiếm người biết đến bãi Dương, thậm chí gõ tìm kiếm tên khu vực này trên mạng cũng không có nỗi dòng thông tin chỉn chu.

“Rưng rưng” những ngày nhặt trứng

Số lượng rùa biển lên đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm trên 85% số rùa về đẻ ở vùng biển Việt Nam. Hiện nơi đây còn 18 bãi có rùa lên đẻ. Mùa rùa sinh sản ở Côn Đảo kéo dài tầm đầu tháng 4 đến tháng 11 nhưng cao điểm nhất rơi vào các tháng mùa hè.

Thời điểm ra bãi canh rùa đẻ phụ thuộc vào mực nước thể hiện trong bảng thủy triều được phát cho mỗi trạm hàng tháng. Khi con nước dâng lên ở độ cao nhất định, rùa mẹ sẽ mon men lên bờ đào tổ.

Bắt đầu công việc xuất phát ra bãi để thực hiện nhiệm vụ “Đỡ Đẻ” cho rùa Côn Đảo từ 2 giờ đến 5 giờ sáng.

Do rùa mẹ rất nhạy cảm với ánh sáng, nhất là ánh sáng trắng và tiếng ồn nên toàn bộ quá trình từ lúc rùa mẹ lên bờ tìm bãi cát phù hợp để đào tổ đến khi đẻ trứng đều phải diễn ra trong thinh lặng, không được chiếu đèn vào mắt rùa và không được đứng ngay đầu rùa.

Ai chưa quen với công việc canh rùa đẻ thì chắc hẳn ngày đầu tiên sẽ cảm thấy khá khó chịu bởi nhiệm vụ này đòi hỏi tính kiên nhẫn cao.

Được biết: “Quá trình sinh sản cùa rùa diễn ra khá lâu, kéo dài 3 tiếng hoặc hơn. Rùa mẹ thường chọn chỗ cát không bị sụt lún, không có vật cản như đá ngầm, không quá gần mép nước rồi mới chịu đào tổ đẻ trứng. Ban đầu, chúng sẽ sử dụng hai chi trước để đào một hố sâu tầm 30-40cm quanh thân. Tiếp theo, rùa mẹ dùng hai chi sau để đào một hố sâu tầm 20-30cm rồi bắt đầu đẻ trứng. Sau khi đẻ xong, chúng sẽ lấp cát, xóa dấu vết, bảo đảm tổ trứng được an toàn nhất rồi mới quay về biển”.

Những quả trứng nhỏ bé tưởng chừng rất mong manh nhưng lại có độ đàn hồi hơn hẳn trứng của nhiều loài nên rất khó vỡ.

Canh cánh những nỗi lo…

Rác thải đã và đang trở thành gánh nặng của Côn Đảo nói chung và các hòn, bãi có rùa lên đẻ nói riêng. Trong đó, bao ni lông chính là “kẻ thù” của loài rùa bởi hình dáng của bao ni lông tựa như sứa biển – một thức ăn “khoái khẩu” của rùa.

Xuyên suốt chương trình, ngoài các nhiệm vụ có liên quan đến rùa, các nhóm tình nguyện viên còn dành một số buổi thu lượm rác dọc bãi biển, nơi rùa lên đẻ hàng đêm.

Mặt khác, phương thức xử lý rác thải hiện giờ tại các khu vực bãi, hòn đều là đốt mà không có cách tối ưu hơn. Đa phần nan giải ở bài toán chi phí.

Anh Lê Hồng Sơn, trưởng phòng Phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế của Vườn quốc gia Côn Đảo, chia sẻ: “Tôi rất mong có những cá nhân, đơn vị sẵn sàng đồng hành cùng Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đề xuất các sáng kiến khả thi nhằm sớm giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường như rác thải”.

Nhờ địa thế bị cô lập so với đất liền mà Côn Đảo vẫn phần nào giữ được tính đa dạng sinh học, nhưng cũng chính vị trí địa lý đặc biệt như thế, nếu phát triển du lịch đại trà tại Côn Đảo, đặc biệt ở các hòn, bãi có rùa lên đẻ sẽ dẫn đến những “tổn thương” cho thiên nhiên rất khó bù đắp.

Đề cập đến khía cạnh du lịch, Chị Bùi Thị Thanh Hiền, điều phối viên quốc gia chương trình biển và vùng bờ của tổ chức IUCN, cũng bày tỏ: “Nhiều khách du lịch đi xem thả rùa thường nghĩ đó là hoạt động phóng sinh nhưng thực tế không phải vậy. Một số nhóm tình nguyện viên đã bắt đầu triển khai làm các video clip, các tấm áp phích… nhằm mục đích đề xuất với Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo hướng dẫn, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo tồn rùa biển cho khách du lịch, tránh để họ lầm tưởng đến đây chỉ nhằm mục đích duy nhất là chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.

Bài viết và hình ảnh từ Page Côn Đảo

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status