KHÁM PHÁ NÉT ĐẸP VĂN HÓA ĐẠO ÔNG TRẦN QUA LỄ HỘI TRÙNG CỬU TẠI NHÀ LỚN LONG SƠN

17/12/2023
#Long Sơn #Vũng Tàu
KHÁM PHÁ NÉT ĐẸP VĂN HÓA ĐẠO ÔNG TRẦN QUA LỄ HỘI TRÙNG CỬU TẠI NHÀ LỚN LONG SƠN

Đạo ông Trần – nét tín ngưỡng lâu đời tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu luôn được biết đến là niềm tự hào của người dân địa phương bởi tính hướng thiện và giáo dục con người nhiều phẩm chất quý giá. Hàng năm cứ vào ngày 9/9 âm lịch, nhà lớn Long Sơn lại thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tới đây để tham dự vào lễ hội Trùng Cửu – một lễ hội không phô trương kèn trống, không múa hát tưng bừng nhưng để lại dấu ấn vô cùng đặc biệt về sự trang nghiêm và tôn kính.

Tương truyền rằng, ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu sinh năm 1856 là người Hà Tiên đến đảo Long Sơn khai hoang lập nghiệp vào những năm 1900. Thuở đầu, Long Sơn còn là hòn đảo hoang vu, cằn cỗi, không bóng người sinh sống. Từ ngày ông Trần tới khai hoang, mảnh đất này như được hồi sinh, người dân có cái nghề, cái nghiệp; sinh sống và yêu thương nhau như một đại gia đình.

Toàn bộ khu di tích nhà lớn Long Sơn là sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng dân gian thờ trời, thờ đất với Nho Giáo và Khổng Tử. Khu điện thờ chính được ông Trần cho xây với tên gọi là Nhà Thánh, về sau được mở mang khang trang hơn với cơ man các kiến trúc cổ Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật, các dãy nhà cho khách, khu mộ ông Trần và nơi hội họp, nhà tích trữ lương thực,…

Để di chuyển từ điện thờ này sang điện thờ khác, bạn sẽ băng qua chiếc cầu nối cổ xưa nhưng vô cùng kiên cố, nhìn ngắm được toàn cảnh nhà lớn Long Sơn từ trên cao. Mái che của nhà lớn được lợp từ gạch ngói đỏ rực, phần tấm vách xung quanh được sơn màu xanh nổi bật giữa một khoảng đất trời như một thủ phủ trang nghiêm, cung kính.

Người dân Long Sơn coi nhà lớn như một biểu tượng của sự hướng thiện, nhắc nhở các thế hệ con cháu phải sống theo lễ nghĩa tốt đẹp của ông Trần. Chính vì thế mà lễ hội Trùng Cửu hàng năm được tổ chức ở Long Sơn như một dịp để gợi nhắc mọi người nhớ về công ơn của các bậc tiền nhân thuở khai đất, lập làng đồng thời thể hiện truyền thống tiếp nối đáng quý của người dân địa phương với nét đẹp giản dị, mộc mạc nhưng đầy nhân nghĩa.

Trước ngày diễn ra lễ hội chính, người dân Long Sơn sẽ bảo nhau quét dọn các dãy phố, khu chợ cũng như nhà nghỉ cho khách thập phương. Trong khu điện thờ, những bậc trưởng lão mặc áo bà ba đen, tóc búi gọn, chân trần, ngồi điềm nhiên bên khánh mực, tỉ mỉ viết từng nét chữ lên dải liễn màu đỏ thắm.

Phong tục treo câu liễn đỏ đã được duy trì hàng trăm năm qua. Mỗi dịp gần lễ hội, khắp khu điện thờ đâu đâu người ta cũng nhìn thấy các câu liễn đỏ vuông vắn được treo ngay hàng thẳng lối trên cột trụ hay trước cửa. Mỗi câu liễn là cái tâm thành kính của người viết, mong muốn người dân ở khắp mọi nơi khi đến đây đều gặp phước lành.

Sau công tác chuẩn bị, ngày 8/9 âm lịch, thường du khách sẽ tới nhà lớn Long Sơn từ sớm và tề tựu rất đông với nào nhang khói và lễ vật là đồ mặn – đặc sản vùng miền nơi mình sinh sống. Không chen lấn, xô đẩy, không ồn ào, kèn trống thùng thình; dường như mỗi người đều tự ý thức được việc mình tới đây để cầu bình an, hành hương nên xếp hàng và hành xử rất chuẩn mực. Ở mỗi khu điện đều sẽ có những cô, bác mặc áo bà ba đứng nghiêm chỉnh để hướng dẫn du khách thập phương nên hành lễ tuần tự như thế nào

Tiếp đó là ngày 9/9 âm lịch sẽ là lễ cúng chay. Sau một đêm nghỉ lại Long Sơn, bà con khắp nơi vẫn nhiệt tình dậy từ sớm để chuẩn bị cỗ chay hành hương lên các vị thánh nhân, hiền tài. Không khí nhà lớn trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết, dẫu có người từ Bình Phước, An Giang; có người từ Bến Tre, Đắc Lắc,…tất cả như đều trở thành con, thành cháu, thành người một nhà. Ai nấy đều thành tâm cầu nguyện, mong muốn bình an sẽ đến với gia đình của mình.

Sau khi dâng lễ tại điện thờ chính, người dân thường rủ nhau tới mộ ông Trần để thắp hương và tưởng nhớ tới công lao của người đã khai hoang ra vùng đất Long Sơn. Đã bao thế hệ trôi qua nhưng nét đẹp về cách sống, tư tưởng nhân nghĩa chân thiện mỹ của ông vẫn luôn được người dân khắp nơi coi trọng.

Trong khi điện thờ đang nô nức người người dâng lễ vật, cầu an, tại bếp ăn của nhà lớn, các cô các mẹ cũng luôn tay bày bàn xếp ghế, dọn mâm dọn chén đĩa để đãi cơm du khách tới hành hương.

Không tiếng chuông, tiếng mõ, không kèn trống phô trương; lễ hội Trùng Cửu cứ thế diễn ra như chính cái mộc mạc, giản dị mà thân tình của đạo ông Trần từ bao đời truyền lại ở Long Sơn. Người dân Long Sơn hiếu khách lại tiếp đón chu đáo bởi thế mà hàng năm, du khách thập phương quay trở lại đây hành hương dâng lễ ngày một nhiều.

Có lẽ không còn chỉ dừng lại ở việc cầu an cầu phước, mà một không gian cổ kính cùng với cảm giác ấm cúng, được tiếp đãi như người nhà đã làm cho nhiều người đến Long Sơn đều nhất quyết phải ghé qua nhà lớn một lần để chiêm ngưỡng và tận hưởng cảm giác khoái lạc, bình an từ trong tâm.

Nếu có cơ hội, nhất định bạn nên tới trải nghiệm lễ hội Trùng Cửu ở Long Sơn một lần trong đời nhé!

“LONG SƠN ĐẢO – VÙNG ĐẤT HUYỀN BÍ”- KHÔNG ĐƠN THUẦN CHỈ LÀ THƯỚC PHIM TÀI LIỆU, ĐÓ CÒN LÀ KIỆT TÁC

Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status