KHÁM PHÁ NÉT VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG LÂU ĐỜI BÊN TRONG LÀNG BÚN LONG KIÊN
Ghé thăm thành phố Bà Rịa, chúng ta vẫn luôn bị cuốn hút bởi những món ăn đặc trưng nơi đây như gỏi cá đục, lẩu măng chua, gà nổ muối hột niêu đất… Vậy bạn đã bao giờ dành thời gian để đi loanh quanh từng ngôi làng và thưởng thức ẩm thực nơi đây? Hãy cùng chúng mình về thăm làng bún Long Kiên nức tiếng không chỉ với người dân nơi đây mà cả các du khách gần xa.
Tọa lạc tại phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa, làng bún Long Kiên là điểm du lịch ẩm thực hấp dẫn du khách bởi sợi bún trắng mịn với sợi bún thơm ngon được chế biến bằng tình yêu và sự gắn bó sâu sắc của người dân với nghề truyền thống. Theo lời kể các cô, các bác, bún Long Kiên gốc là ở miền Bắc, được người dân Hải Phòng di cư tới đây mang đến ngôi làng nhỏ.
Các già làng chia sẻ rằng ban đầu chỉ có 5 hộ dân làm bún nhưng giờ đây nó đã trở thành một trong những nghề chính giúp nhiều nhà có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế. Và kể từ đó, sợi bún Long Kiên đã xuất hiện và bền bỉ mỗi ngày phục vụ người dân và các du khách được hơn 50 năm. Bởi lẽ đó, làng bún còn được vinh danh là nét văn hoá truyền thống được bảo tồn tại Long Kiên với những giá trị lâu đời.
Nguồn sưu tầm: vntrip.vn
Trong suốt hơn 50 năm vừa qua, bún Long Kiên nổi tiếng bởi sợi bún có độ dai vừa vặn,tách rời nhau chứ không dính bết như nhiều chỗ khác, trắng mịn. Theo những người làm nghề lâu năm thì quy trình để làm ra sợi bún hoàn hảo không hề đơn giản. Muốn có được sợi bún ngon thì người làm phải biết chọn loại gạo bởi gạo không chất lượng bún sẽ bị mềm quá rồi tới ngâm gạo và đánh hồ.
Nguồn sưu tầm: vntrip.vn
Bí quyết khi làm bún nằm ở nguyên liệu chính là gạo Nàng Sậu, gạo Sơ Ri được dân làng tự tay cấy trồng. Loại gạo này khá đặc biệt vì có màu trắng xanh đặc trưng và hạt nhỏ nhắn, dài hơn các loại gạo khác và nấu nhanh chín. Đầu tiên gạo sẽ được đãi qua nước tới khi nào nước gạo thật trong, rồi mới mang đi xay mịn, bột tiếp tục được cho vào ngâm, ủ loại bỏ đi nước lên men vị chua.
Nguồn sưu tầm: vntrip.vn
Bước tiếp theo là nhào, nặn bột trong nước sạch, lọc sạn trong tấm vải mỏng để bột tinh khiết nhất có thể. Muốn làm sợi bún nhỏ thì người làm sẽ dùng khuôn có lỗ nhỏ theo yêu cầu khách hàng. Phần bột ép vào khuôn sẽ từ từ chảy xuống nồi nước đun sôi để luộc chín, khi luộc phải khuấy đều liên tục không sẽ bị dính. Sợi bún nóng hổi sau khi ra lò chỉ cần chấm cùng chút xì dầu hay nước mắm cũng ngon đến lạ.
Nguồn sưu tầm: balodi.vn
Nếu có dịp ghé làng bún Long Kiên, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng quá trình sản xuất bún của người dân nơi đây, không chỉ là sự kỳ công mà còn cảm nhận được tình yêu nghề chứa đựng bên trong từng mẻ bún mới. Hãy dành thời gian thưởng thức những sợi bún thơm ngon để biết thêm nhiều giá trị tươi đẹp về làng nghề bạn nhé!
Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.