LỊCH SỬ XUYÊN MỘC VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT

09/11/2021
#XUYÊN MỘC
LỊCH SỬ XUYÊN MỘC VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT

Huyện Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một huyện nằm ở vị trí địa lý vô cùng Đông Nam Bộ nối liền với cực Nam Trung Bộ, phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Xuân Đức, Tây Nam giáp huyện Đất Đỏ, Đông Nam giáp huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận. Diện tích tự nhiên 640,48 km2. Xuyên Mộc là một huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh với nguồn tài nguyên đa dạng, đã và đang được tiến hành khai thác để trở thành các nguồn lợi kinh tế của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

1 – Từ khi người Việt đặt chân đầu tiên lên Xuyên Mộc đến năm 1858

Xuyên Mộc là vùng rừng rậm hoang vu, đầy thú dữ, nước độc, là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc ít người Châu Ro sống du canh du cư. Khi người Việt từ Đàng Ngoài vào tìm đất khẩn hoang, lập nghiệp, ở đây chỉ có một số đồng bào người dân tộc Châu Ro sống rải rác sâu trong núi. Đất rộng, người thưa nên việc khai phá đất đai để làm ăn sinh sống trở nên dễ dàng. Những bãi biển Hồ Tràm, Hồ Cốc, Bình Châu là những bến dừng chân đầu tiên của người Việt.

Từ năm 1623, với tư cách là con rể của chúa Nguyễn Phúc Chu; vua Chân Lạp (Chey Chetta II) chấp thuận cho người Việt ở xứ Đàng Trong vào làm ăn ở xứ Đồng Nai, Bến Nghé. Năm 1758 vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân với tư cách là vua một phiên quốc nước Đại Việt, lại một lần nữa cho phép người Việt vào làm ăn ở xứ Mô Xoài (Bà Rịa và miền Đông Nam Bộ ngày nay).

Một số sách xuất bản trước năm 1975 đã đưa ra một giả thuyết giải thích về cái tên Xuyên Mộc là do lớp người Việt đầu tiên đến vùng rừng hoang này, họ thấy rải rác nhiều xương người chết. Từ đó, họ gọi vùng đất này là “xương mục”, lâu ngày đọc trại ra là Xuyên Mộc

Cũng có ý kiến cho rằng từ thế kỷ XVII-XVIII, người Việt từ Đàng Ngoài vào khai phá xứ Đàng Trong, từ vùng Thuận Hóa cho đến Bình Định, Phú Yên, đến vùng đất ngày nay là Xuyên Mộc, vì thú dữ và thời tiết ác nghiệt, khó sinh sống, họ phải băng qua những cánh rừng già dày đặc về hướng Đất Đỏ, Long Điền, Phước Lễ định cư và đặt tên vùng đất Bà Rịa là xứ Mô Xoài. Phải chăng vì thế mà người Việt gọi tên cho vùng đất đã đi qua là Xuyên Mộc

Gần đây, các tác giả nghiên cứu địa chỉ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định, Xuyên Mộc là tên một loài cây lớn, mọc khá nhiều ở vùng đất này trước đây. Khi người Đàng Ngoài vào thực ra khi đến ngay Bình Châu, Hồ Tràm mà định cư. Cách giải thích này có sức thuyết phục, vì khi đó Xuyên Mộc là rừng già bạt ngàn, không nằm trong lộ trình mở đất của lớp người tiên phong hồi cuối thế kỷ XVII. Khi đó người Việt vào xứ Mô Xoài (Bà Rịa – Đồng Nai) chủ yếu là đi đường biển, ghé những nơi có cửa biển, ven sông, chọn nơi đồng bằng ven sông, ven biển dễ khai phá, tiện giao thông mà định cư, rồi mới khai phá rộng ra. Điều này có thể thấy rõ hơn qua phần thống kê dân cư vào đầu thế kỷ XX, khi đó, dân cư trên địa bàn Xuyên Mộc còn thưa thớt hơn vùng Đất Đỏ, Long Điền, hay Long Kiên, Long Xuyên (Hòa Long), Long Phước…

Cách đây hơn 300 năm, trên bước đường tiến về phía nam để khai hoang phía Đàng Trong, người Việt đã đặt chân lên mảnh đất Xuyên Mộc. Theo Phan Khoang, trong “Việt sử xứ Đàng Trong” từ năm 1620 vùng đất Proyokor (tức Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa) đã có nhiều người Việt đến khai khẩn đất đai.

Năm 1658, vua Nặc Ông Chân vi phạm biên cảnh, chúa Nguyễn sai phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Phước Yến đem 3.000 quân đến Mô Xoài đánh bắt được Nặc Ông Chân giải về, sau đó tha về những phải cam kết “không được nhiễu dân ở ngoài biên cương”. Sự kiện này cho thấy người Việt đã có mặt ở đây khá đông từ giữa thế kỷ XVII. Sau “sự kiện Mô Xoài 1658”, chúa Nguyễn tiếp tục có nhiều chính sách khuyến khích dân chúng vào khai phá vùng đất Nam Bộ. Trong sách “Phủ Biên Tạp Lục”, Lê Quý Đôn nói rõ: Họ Nguyễn đã chiêu mộ những người dân có “vật lực” (người giàu) ở xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn đi khẩn hoang. Những người có “vật lực” này được quyền mua nô tỳ để sử dụng. Mục đích của nhà Nguyễn là mở rộng địa bàn đứng chân, củng cố thế lực để chống lại chúa Trịnh, vua Lê ở Đàng Ngoài.

Cuộc phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn (thế kỷ XVII) và sự áp bức của bọn cường hào, ác bá đã dồn ép những lớp người Việt từ miền Bắc, miền Trung vào đây tìm đất sinh sống, lập nghiệp. Họ vượt biển bằng thuyến buồm vào Đàng Trong, đặt chân lên những bãi biển Bình Châu, Hồ Cốc, Hồ Tràm (Xuyên Mộc), Phước Hải (Đất Đỏ), Long Hải, Phước Tỉnh (Long Điền), Bến Đá, Bến Đình (Vũng Tàu) rồi từng bước phát triển về vùng châu thổ.

Những người dân yêu tự do, chống sự áp bức của quan lại bản xứ đã tiên phong quần tụ tại mảnh đất Xuyên Mộc này. Rừng hoang, khí hậu khắc nghiệt, thú dữ càng làm cho họ đoàn kết hơn, trở thành một cộng đồng người có quy củ để chống lại thiên nhiên, khai phá rừng hoang, xây dựng xóm làng, ruộng rẫy. Mức độ chiến tranh Trịnh – Nguyễn càng ác liệt số dân bỏ vào Đàng Trong sinh sống càng đông hơn. Từ Xuyên Mộc, người Việt mở rộng về Biên Hòa, Gia Định và đồng bằng sông Cửu Long, lập xóm làng trù phú ở xứ Mô Xoài – Đồng Nai – Gia Định.

Năm 1768, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý, lấy đất Nông Nại lập phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ, Ký lục để cai trị. Nha thuộc có hai ty Xá, Lại để làm việc. Quân binh thì có cơ, đội, thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ.

Vùng đất Xuyên Mộc nói riêng, Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay nói chung đều nằm trọn trong huyện Phước An. Những tên làng xuất hiện khá sớm trên vùng đất Xuyên Mộc ngày nay là Long Xương, Long Cơ, Hưng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích, Xuyên Mộc, Phước Bửu, Thuận Biên… Tiềm năng về đất, rừng, biển rất đa dạng nhưng do dân cư còn ít, phương tiện khai thác lạc hậu, lại là địa bàn xa các trung tâm kinh tế, nên đến cuối Thế kỷ XIX, Xuyên Mộc vẫn còn là vùng rừng rậm hoang vu, dân cư thưa thớt, trong khi dân cư xứ Đồng Nai – Gia Định đã có 40.000 hộ với 200.000 dân, đất đai khai phá được hơn 1.000 dặm.

Trong quá trình lịch sử, địa lý và tên gọi huyện Xuyên Mộc cũng nhiều lần thay đổi. Theo sách “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức, huyện Xuyên Mộc ngày nay thuộc về tổng Phước Hưng, huyện Phước An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa.

Năm 1788, Nguyễn Ánh thu phục toàn cõi Gia Định, đặt quan công đường coi hai dinh Phiên Trấn và Trấn Biên. Trên địa bàn dinh Trấn Biên có một số đơn vị phòng thủ trực thuộc gọi là “đạo” như đạo Hưng Phước, đạo Nục Giang, đạo Đồng Môn, đạo Cần Giờ… Khu vực Phước Lễ (thành phố Bà Rịa hiện nay), Long Điền, Châu Đức thuộc đạo Hưng Phước. Vùng đất Xuyên Mộc ngày nay thuộc đạo Nục Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép trong mục Đền – Miếu về vùng đất này như sau: “Đền Hiên Ngọc Hầu: ở thôn Phước Bảo, huyện Phước An, thờ thống binh Hồ Văn Hiên là con tập chức của Hồ Văn Quí là Thống binh đầu đời trung hưng; Hiên đóng quân ở đạo Nục Giang, sau chết ở đạo sở, tỏ dấu anh linh, dân địa phương có cầu đảo liền ứng; năm Minh Mệnh thứ 19, nguyên hộ phủ là Phạm Duy Trinh đào sông Xích Lam, đêm nằm mộng bèn lập đền thờ”.

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), nhà Nguyễn tách hai huyện Long Thành và Phước An đặt thuộc phủ Phước Tuy, tách phần đất phía Bắc của hai huyện này để thành lập huyện mới Long Khánh gồm 6 tổng là Long Xương, Long Cơ, An Trạch, An Viễn, Tập Phước và Khánh Nhân. Một phần đất trong các tổng Long Xương, Long Cơ nay thuộc huyện Xuyên Mộc.

2 – Xuyên Mộc Từ 1858 đến đầu thế kỷ thứ 20

Hòa ước Nhâm Tuất 1862 nhượng tỉnh Biên Hòa cho người Pháp làm thuộc địa. Thực dân Pháp đứng đầu mỗi địa hạt là một vien quan người Pháp gọi là Giám đốc Bản xứ vụ (Directeur des affaires indige`nes). Tất cả các viên Giám đốc này đặt dưới quyền viên Giám đốc Cao cáp Bản xứ vụ coi chung các địa hạt gọi là quản hạt.

Sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Đông, thực dân Pháp phân chia lại lãnh thổ, trong đó địa bàn tỉnh Biên Hòa được chia thành 5 địa hạt: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Long Thành, Bảo Chánh (Long Khánh) và Bà Rịa. Vùng đất thuộc huyện Xuyên Mộc ngày nay thuộc về tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, phủ Phước Tuy.

Năm 1867, sau khi chiếm trọn 6 tỉnh Nam kỳ, người Pháp chia địa bàn Nam kỳ thành 24 đơn vị hành chính gọi là hạt Thanh tra. Đứng đầu mỗi hạt là viên Thanh tra (Inspecteur) sau đổi là Tham biện (Administrateur).

Ngày 20-12-1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tất cả các hạt thanh tra thành tỉnh, đứng đầu là một viên Tham biện, thường gọi là chủ tịch (Chef de la Province). Hạt thanh tra Bà Rịa đổi thành tỉnh Bà Rịa. Tên gọi tỉnh Bà Rịa xuất hiện từ đó.

Ngày 7-11-1905, Toàn quyền Đông Dương quyết định đem phần đất gọi là Khánh Sơn và 3 xã của người thiểu số là Hưng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích của tỉnh Bình Thuận nhập vào tỉnh Bà Rịa, lấy cớ các xã này không đóng thuế cho Chính phủ Nam triều, tức không thuộc Trung kỳ. Sự thật là tại khu vực này, các toán nghĩa quân chống Pháp vẫn còn hoạt động tại đây, thường đột nhập vào tiến công quân Pháp đóng trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu. Bởi vậy chúng nhập các làng này vào tỉnh Bà Rịa cho dễ kiểm soát. Kể từ đó, các làng Hưng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích trực thuộc tỉnh Bà Rịa mà ngày nay thuộc địa bàn các xã Bàu Lâm, Bưng Riềng, Bông Trang, Hòa Bình, Hòa Hưng, Hòa Hiệp, Hòa Hội của huyện Xuyên Mộc.

3 – Từ năm đầu thế kỷ 20 đến 1945

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân cư Xuyên Mộc sống tập trung khá đông ở hai làng Phước Bửu và Xuyên Mộc. Theo thống kê năm 1901, tỉnh Bà Rịa có 7 tổng, 62 làng, 49.212 dân. Các làng Xuyên Mộc, Phước Bửu thuộc tổng Phước Hưng Hạ.

Đầu thế kỷ XX, nhất là sau chiến tranh thế giới lần I, thực dân Pháp càng tăng cường bóc lột thuộc địa. Tại Xuyên Mộc, tư bản Pháp đuổi dân, cướp đất lập sở cao su như sở Le, sở Attamarat, sở cà phê Bàu Lâm… Ngoài ra, chúng còn khuyến khích một số địa chủ từ Long Điền, Đất Đỏ lên Xuyên Mộc khai thác lập đồn điền như sở Năm Bào (Sở Quít), sở cao su Bà Tô, hoặc khai khẩn rừng làm ruộng rẫy như ruộng rừng ở suối Mò Om (do cô Tư Ray con Bà Tô đứng ra khẩn). Công cuộc khai khẩn vùng đất này đã định hình một lớp nông dân tá điền ở Xuyên Mộc.

Công nhân làm công cho các đồn điền cà phê và cao su của các chủ tư bản Pháp ở Xuyên Mộc vốn là những người nông dân cùng cực từ miền Trung, miền Bắc được thực dân mộ phu vào làm theo hợp đồng. Tình cảnh lao động, sinh hoạt của người phu cao su vô cùng cực nhọc. Bệnh tật do chướng khí, không có thuốc điều trị, them vào đó, họ thường xuyên bị đòn roi của bọn cai, cho nên người phu cao su sống rất cơ cực, chết dần chết mòn. Không mấy ai trong đội nủ công nhân cao su làm hết hạn côngtra (hợp đồng) ba năm được trở về quê cũ. Xa quê hương, lại cùng cảnh ngộ bị thực dân, địa chủ bóc lột đã làm cho công nhân gắn bó, đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau. Truyền thống đó đã phát huy mạnh mẽ sau Cách mạng tháng Tám 1945 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở Xuyên Mộc.

Bộ phận cư dân thứ 3 rất cơ bản là đồng bào dân tộc ít người, đa số là người dân Châu Ro người dân bản địa lâu đời của vùng đất Xuyên Mộc. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-1999, người Châu Ro ở Xuyên Mộc có 1.177 người, chiếm 1,04%, đứng thứ 3 sau người Kinh (96,453%) và người Hoa (1,42%). Xưa kia người Châu Ro sống du canh du cư, làm nương làm rẫy và săn bắn thú rừng (rẫy gọi là min, rẫy mới phát là răm, rẫy cũ là ro) ở vùng đất đỏ, theo lối du canh du cư. Sau vài ba năm canh tác, đất khô, bạc màu, đồng bào lại lên đường tìm đất mới khai nương mở rẫy. Người dân tộc Châu Ro có những sinh hoạt tập quán riêng. Nhưng điều cơ bản là đồng bào rất chân thật, đã tin tưởng thì một lòng một dạ. Suốt hai cuộc kháng chiến, đồng bào dân tộc ở Chiến khu Xuyên Phước Cơ đã có một lòng một dạ với cách mạng. Những lúc cách mạng gặp khó khăn nhất, vẫn bám rừng, chịu cực khổ cùng cán bộ, chiến sĩ, giúp đỡ và chiến đấu đến thắng lợi.

Làng Bình Châu được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ XX khi mới thành lập có tên là làng Cù Mi gồm có 3 xóm: Sở Dừa, Xóm Rẫy và Hố Lá. Những năm 1920-1921, một nhà bác học người Pháp là Colombier George cùng với vợ người Việt là cô Tám Say đã đến nghiên cứu vùng rừng ở Xuyên Mộc. Khi đến làng Bông Trang (xã Bông Trang ngày nay) ông thấy một vùng bong trang mượt mà, đất đai tươi tốt có rừng, biển, khí hậu ôn hòa, nên bỏ vốn đầu tư Sở Dừa, cất chùa để quy tụ nhân dân về khai khẩn. Sau đó Colombier George cùng với vợ người Việt là cô Tám Say đi tiếp về hướng Bắc, thấy địa thế thuận lợi lại khẩn hoang trồng mấy chục  mẫu dừa, gọi là xứ dừa Ông Tám. Ngôi chùa được dời về Bàu Xót cạnh một dốc cát nhân dân gọi là dốc Chùa. Cùng đi với Ông Tám lúc ấy có một số gia đình đến sinh sống lập nghiệp như ông Năm Hanh, Hai Bến Tre, ông Cả Khoa ở Hội Mỹ (Đất Đỏ). Một số dân miền Trung ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên cũng tụ tập vào đây sinh sống. Dân số ngày càng đông, cuộc sống tấp nập, ông Tám xin lập làng gọi là làng Cù Mi. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, làng Cù Mi mang tên xã Bình Châu.

4 – Từ năm 1945 đến năm 1975

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa giới Xuyên Mộc cũng nhiều lần được điều chỉnh. Năm 1948, Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh Bà Rịa đã ra nhiều quyết định điều chỉnh lại địa giới cho phù hợp với yêu cầu kháng chiến:

  • Làng Nhơn Xương thuộc quận Đất Đỏ được sáp nhập vào quận Cơ Trạch (Quyết định số 36/TV ngày 6-6-1948)
  • Làng Bình Giã được sáp nhập vào Quảng Giao (Quyết định số 36/TV ngày 6-6-1948)
  • Thành lập Khu kiểu mẫu “Xuyên Phước Lộc”  gồm 3 làng: Xuyên Mộc, Phước Bửu và Lộc An (Quyết định số 95/TV ngày 7-9-1948)

Đây là thời điểm thực dân Pháp tăng cường lực lượng bảo vệ lộ 2, con đường bộ duy nhất để tiếp tế cho Bà Rịa và Vũng Tàu kể từ khi lộ 15 bị cắt đứt. Kể từ cuối năm 1947, địch càn quét nhiều lần, đánh phá, bắn giết giã man làng Bình Giã, một số lớn đồng bào xã Bình Giã phải dời làng về xã Quảng Giao. Năm 1948, thực dân Pháp triệt hạ làng Quảng Giao. Dân làng Quảng Giao cùng công nhân sở Xuân Sơn được cán bộ hướng dẫn vượt Sông Ray về địa bàn Bàu Lâm xây dựng làng chiến đấu trong vùng căn cứ địa cách mạng.

Cuối năm 1949, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh quyết định giải thế quận Cơ Trạch, thành lập xã Cơ Trạch bao gồm các làng Bàu Lâm, Ba Mẫu, Thừa Tích và Quảng Giao. Căn cứ địa từ Xuyên Mộc, Phước Bửu và Lộc An được mở rộng lên Cơ Trạch và chính thức mang tên Chiến Khu Xuyên Phước Cơ. Xã Cơ Trạch lúc đó khá rộng, bao gồm địa giới các xã Bàu Lâm, Thanh Tóa, Ba Mẫu, Thừa Tích, Vũng Hầm, giáp với xã Xuyên Mộc và xã Phước Bửu. Căn cứ địa Cách mạng của tỉnh ở Khu Đông được mang tên Chiến khu Xuyên Phước Cơ.

5 – Từ năm 1975 đến nay

Nghị quyết của Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 9 ngày 12-8-1991 thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gồm Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo và 3 huyện  của vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu là Long Đất, Châu Thành và Xuyên Mộc. Huyện Xuyên Mộc có 11 xã: Phước Bửu, Xuyên Mộc, Bàu Lâm, Hòa Hưng, Hòa Bình, Phước Tân, Hòa Hội, Hòa Hiệp, Bông Trang, Bưng Riềng và Bình Châu.

Dân Xuyên Mộc trước đây sinh sống chủ yếu bằng nghề làm lúa nước, trồng hoa màu, trên nương rẫy với các cây như bắp mì và một số  loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu… Một bộ phận làm công nhân cao su. Ở Bình Châu, trước năm 1954 có nhiều hộ khai thác gỗ rừng, dùng ghe chở đi bán ở miền Tây Nam Bộ đổi lấy gạo và hàng hóa khác. Những hộ lớn như Mã Kim Trọng, Mã Phùng Tảo, Biện Ó, Đội Độ, Thành Hưng (Chợ Lớn), Tám Đài (Gò Công)… Ở Bình Châu còn có nghề làm biển, câu mực.

Nhân dân Xuyên Mộc siêng năng, cần cù trong lao động, trọng tín nghĩa, thờ cúng tổ tiên, những bậc tiền hiền đã có công khai phá rừng lập làng (Phước Bửu và Xuyên Mộc đều có đình thờ tiền hiền). Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Tin Lành, Đạo Hồi, Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo, đều có tín đồ ở Xuyên Mộc, trong đó Đạo Thiên Chúa có 33.043 tín đồ (chiếm 28,20%), Phật Giáo có 22.172 tín đồ (chiếm 18,92%), các tôn giáo khác có số lượng ít, dưới 1%. Ở Bình Châu, Hồ Tràm (Phước Thuận), ngư dân còn có tính ngưỡng nghề nghiệp riêng. Họ quyên góp tiền xây dinh Ông (thờ cá voi, cá ông) hàng năm cúng bái trang trọng để cầu bình an khi đi biển. Ở Hồ Tràm (xã Phước Thuận) còn có tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na – Bà Chúa Ngọc, một tín ngưỡng thờ Nữ thần có nguồn gốc từ miền Trung.

Nguồn: Văn Sử Địa

Hình ảnh: Amazing Vũng Tàu và Internet

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status