LONG HÒA CỔ TỰ – NGÔI CHÙA CỔ HƠN 200 NĂM TUỔI Ở AN NGÃI
Long Hòa Cổ Tự (Chùa Long Hòa, ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền) là ngôi chùa cổ được xây dựng từ giữa thế kỷ XVIII. Ngôi chùa với nhiều nét đẹp cổ kính này còn có tên là Chùa Phật, hiện là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý…
Theo tỉnh lộ 44, du khách đến ngã ba Chợ Bến rẽ trái vào hương lộ 14 (đường vào chùa Thiên Thai, núi Chân Tiên) khoảng 400m rồi rẽ trái vào con đường đá cấp phối khoảng 20m là đến cổng tam quan Long Hòa cổ tự.
Long Hòa cổ tự tọa lạc trên mảnh đất rợp màu xanh mát của cây lá. Bước qua cổng tam quan, du khách cảm thấy thật dễ chịu khi đứng trong khuôn viên chùa, hai bên rợp bóng cây xanh và sắc màu hoa lá… với tượng Bồ tát Quán thế âm uy nghi phía trước. Theo lời kể của Hòa thượng Thích Tịnh Viên, Trụ trì chùa, Long Hòa cổ tự được xây dựng khoảng năm 1737. Ban đầu, đây là ngôi chùa làng do nông dân và ngư dân đóng góp tiền, của và công sức tạo nên, dần dần được mở rộng như ngày nay với tổng diện tích khuôn viên chùa khoảng 16.000m2. Năm 1924-1929, Thiền sư Huệ Đăng cho trùng tu chùa và kiến trúc này được giữ nguyên gần 100 năm qua do không bị bom đạn chiến tranh tàn phá.
Chùa cất theo kiểu dáng chữ “Tam”, đặc trưng kiến trúc của chùa cổ Nam Bộ, gồm 3 dãy nhà 5 gian, bề ngang 15m, chiều dài 55m, tường xây đá xanh kiểu “da quy”, dày 40cm, mái lợp ngói vảy cá. Chùa trông thoáng đạt, đồ sộ, mang nét trang nghiêm cổ kính nhờ xây trên nền cao, với các hạng mục quan trọng: cổng tam quan, sân vườn, ngôi thờ Hộ Pháp, Chánh điện, ngôi giảng đường, nhà khách, sân giếng trời, nhà trù, Bảo tháp…
Mặt tiền chùa có 2 cửa lớn, chính giữa có bức tranh “Long Mã” chở Hà đồ Lạc thư, với 2 câu đối chữ Hán hai bên. Tiền đường kiểu dáng hình Tứ trụ, thờ Hộ pháp ở giữa. Gian Hộ pháp có 2 dãy cột gỗ tròn, mỗi dãy có 4 cột chính gỗ căm xe cao 5m, nền lát gạch tàu. Các gian thờ đều có những bức tượng bằng gỗ quý, các cột trong chùa có hoành phi câu đối Hán nôm trang trí mang nội dung giáo dục triết lý và mang tính nhân văn, nhắc nhở, khuyên răn đệ tử, chúng sanh sống làm người phải có tính khoan dung đức độ, từ bi. Giếng trời có hồ nước nhỏ, hòn non bộ, nơi thư giãn của sư trụ trì và chư tăng, phật tử của chùa sau những lần hành lễ tụng kinh niệm Phật.
Từ năm 2008-2014, Hòa thượng Thích Tịnh Viên đã mở rộng thêm phần sau của chùa với diện tích 700m2, gồm ngôi pháp bảo đường, hòn non bộ… để du khách tham quan, vãn cảnh chùa. Đặc biệt, tòa bảo tháp mới được xây dựng mang kiểu dáng chùa Một Cột, diện tích sàn xây dựng 25m2, cao 9m, bên dưới có hồ sen mái ngói âm dương, trên nóc đắp hình tượng “Lưỡng Long chầu nguyệt” (2 con rồng vờn trăng) cùng Đại hồng chung (chuông đồng) nặng 1,5 tấn được đặt đúc từ Huế. Toàn bộ phần mở rộng mới này được xây dựng bằng nhiều loại gỗ quý, mái âm dương cách điệu với kiến trúc hài hòa với ngôi chùa cũ được trùng tu từ gần 100 năm trước. Tổng thể chùa là sự phối hợp giữa kiến trúc công trình với cảnh sắc thiên nhiên an lành khiến khách hành hương cảm thấy tâm hồn được thanh thản giữa cảnh chùa cổ bình dị mang nét trang nghiêm.
Chùa Long Hòa còn tạo ấn tượng với du khách thập phương bởi những hàng cây xanh mát, những hàng hoa sứ, hoa giấy và hàng chục loại cây, hoa nở bông rực rỡ.
Được biết, Long Hòa cổ tự còn lưu giữ nhiều pho tượng bằng gỗ, bằng đất nung với những đường nét chạm trổ sắc sảo đạt tính thẩm mỹ cao và nhiều hiện vật bằng đồng có niên đại cách nay hơn 200 năm như: tượng Phật A Di Đà bằng đồng cao 0.75m, tượng Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí bằng gỗ cao 0.80m, tượng Tổ sư Đạt Ma bằng đất nung cao 0.60m, bộ tượng Thập bát La Hán bằng đất nung cao 0.67m. Các tượng cổ có giá trị cao này được sư trụ trì bảo quản một cách an toàn.
Bên cạnh đó, các bức điêu khắc, họa tiết, hoành phi, câu đối… trang trí trong chùa là nơi tập trung những tinh hoa nghệ thuật đương thời. Các nghệ nhân đã thể hiện trang trí chùa theo nguyên tắc kết nối vô tận tạo cảm giác về một thế giới không cùng, cái vô hạn trong cái hữu hạn rất phong phú phù hợp với tinh thần giáo lý nhà Phật.
Năm 2009, Long Hòa Cổ tự được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, theo Quyết định số 2378/QĐ-UBND ngày 17/7/2009 của UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Ảnh: Amazing Vungtau