“LONG SƠN ĐẢO – VÙNG ĐẤT HUYỀN BÍ”- KHÔNG ĐƠN THUẦN CHỈ LÀ THƯỚC PHIM TÀI LIỆU, ĐÓ CÒN LÀ KIỆT TÁC
Lần đầu tiên trong kho tàng phim tài liệu Việt, người ta được chiêm ngưỡng một cách đủ đầy, mãn nhãn những cái gì tinh túy nhất, trần trụi nhất và gần gũi nhất về nếp sống, phong tục tập quán của người dân Nam Bộ nói chung và con dân Long Sơn đảo nói riêng. Vỏn vẹn 15 phút với những góc quay đậm chất điện ảnh, đưa người xem khám phá những nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Đảo Long Sơn từ lễ Trùng Cửu linh thiêng cho tới tập tục làm đám tang chung một quan tài , thước phim tài liệu “Long Sơn đảo – Vùng đất Huyền bí” quả thực xứng đáng với hai từ “kiệt tác”.
Nổi tiếng là hòn đảo thơ mộng, còn lưu giữ nét hoang sơ, mới được khai hoang từ thời vua Minh Mạng; Long Sơn đảo cùng với những câu chuyện kỳ bí sau nét tín ngưỡng Đạo ông Trần từ lâu không khỏi khiến nhiều người tò mò.
Hàng mấy thập kỷ trôi qua, người dân nơi đây cứ mỗi dịp lễ lại mặc áo bà ba đen, tóc búi cao và đi chân trần, chẳng có kinh kệ ghi chép, chẳng trước sách, giáo chủ, ấy vậy mà họ vẫn giữ vững tôn nghiêm, bảo nhau lưu giữ nét đẹp trong cốt cách của ông Trần.
Để có những thước phim trọn vẹn nhất, đủ sức chạm nhất đến với khán giả, đoàn làm phim đã bỏ không ít công sức với tất cả lòng nhiệt thành không quản xa xôi tới đảo Long Sơn, kết giao và làm bạn với vùng đất nơi đây.
Người dân nơi đây tuy cởi mở, thân tình nhưng không phải ai cũng được họ tỉ tê, chia sẻ tường tận về tín ngưỡng, về thắc mắc tại sao họ lại sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài, tại sao đều đặn hàng năm người Long Sơn đều cho ghe chở muối đến tặng cho người miền Tây,..
Mỗi cảnh quay bạn nhìn thấy trong bộ phim tài liệu này không hề có sự sắp xếp từ trước, đoàn làm phim đôi khi còn phải bất ngờ và tỏ ra hoang mang cực độ vì không biết cảnh quay tiếp theo là gì. Càng khám phá, làm thân được với người dân, họ càng hiểu ra những lời đồn thổi bấy lâu nay về hòn đảo kỳ lạ với đạo Ông Trần đều không phải hoàn toàn là sự thật, đôi khi còn sai lệch, làm méo mó đi giá trị văn hóa tâm linh mà người dân nơi đây nâng niu, trọng vọng.
Xuyên suốt thước phim tài liệu, bạn sẽ được nghe, được nhìn, được hiểu một cách tường tận về Đạo Ông Trần. Tương truyền ông tên thật là Lê Văn Mưu, đã dẫn đoàn người tiến tới khai hoang đảo Long Sơn từ những năm 1900.
Nể phục lối sống tốt đẹp, dung dị của ông, sau khi ông mất, người dân nơi đây không kinh sách, không điều phái tự bảo nhau tôn lẽ sống của ông thành một tín ngưỡng riêng biệt gọi là Đạo ông Trần.
Ngoài những cảnh quay về cảnh quan hùng vĩ giữa núi rừng và biển cả, lối kiến trúc cổ của Nhà Lớn; bộ phim còn tái hiện chân thực không khí tất bật, rộn rã của người dân khi làm lễ trùng cửu, treo cây nêu vào đầu năm mới. Mọi sự dung dị, gắn kết, cái mộc mạc chân tình của người dân Nam Bộ được lột tả trọn vẹn trong từng phút giây của bộ phim.
Và có lẽ chính vì lẽ đó mà nhiều người khi xem xong thước phim tài liệu này, đều trầm trồ, xúc động, cảm thán và dành nhiều lời ngợi khen cho sự chỉn chu, đầu tư của đoàn làm phim.
Điểm sáng trên toàn cảnh bức tranh đảo Long Sơn – đúng như tên gọi chính là câu chuyện đằng sau tập tục mai táng chung áo quan của người dân nơi đây. Không kèn trống, không khóc lóc, không phúng điều, không tụng kinh là 4 điều khác biệt bạn sẽ thấy rõ khi chứng kiến lễ ma chay ở nơi đây.
Chiếc “Lồng liệt” được sơn đỏ sẫm, bên dưới là tấm ván chắc chắn, bên trên là vòm lồng được đan bằng mây, có chút dấu hiệu sờn cũ bởi đã được sử dụng hàng trăm năm qua để mai táng nhiều người con của Long Sơn.
Một lần nữa, bạn sẽ lại phải thốt lên đầy bất ngờ bởi bộ phim có thể ghi lại chi tiết từ cảnh đưa tang tới khi mở “lồng liệt” rồi chôn cất. Không hề cắt ghép, không qua che hay hiệu ứng làm mờ, chưa bao giờ một thước phim tài liệu về Nam Bộ lại có thể thật, đúng và phản ánh sâu sắc nét tâm linh Việt đến thế.
15 phút xem phim xong mà câu nói “ sinh đồng tịch đồng tàng”, “thác đồng quan đồng quách” như còn vang vảng bên tai. Khán giả như vừa vén màn bước ra từ trong phim để trở về với thực tại.
Bộ phim đã xuất sắc đạt giải Nhất bảng chuyên nghiệp của Cuộc thi Sáng tạo và Tôn vinh Bản sắc Việt, tự hào là ấn phẩm truyền thông, tư liệu sáng giá đem lại niềm tự hào của người dân đất Việt.
Nếu tới đảo Long Sơn thăm thú mà chưa một lần được giải đáp về những tín ngưỡng, tập tục nơi đây, bạn hãy dành thời gian để xem “Long Sơn đảo – Vùng đất huyền bí” để hiểu và thêm yêu vùng đất này.
Ảnh Lê Minh Hạ
Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu