NGẤT NGÂY MÓN BÁNH CĂN DÂN DÃ NGON NỨC TIẾNG XÃ PHƯỚC TỈNH
Thời gian xoay vòng, khi sự giao thoa ẩm thực giữ các nền văn hóa ngày một lan rộng thì các món bánh dân dã truyền thống vẫn luôn giữ cho mình hương vị nguyên bản không hề đổi thay. Điển hình là món bánh căn thơm ngon từ xã Phước Tỉnh đã gây thương nhớ trong miền ký ức tuổi thơ của bao người dân địa phương và để lại dư vị khó quên cho các du khách phương xa.
- Địa chỉ: BÁNH CĂN PHƯỚC TỈNH – Đối diện H19, Phước Thuận, Phước Tỉnh. ( Trước Nghĩa Trang Giáo Xứ Phước Tỉnh)
- Thời gian mở cửa: 14:00 – 17:00 (có hôm hết sớm)
- Giá: 10k ~ 25k
Nhìn bên ngoài, món bánh căn có đôi phần giống bánh khọt. Thay vì dùng loạt bột gạo chiên và thêm nhiều dầu khi đổ vào khuôn như bánh khọt thì bánh căn được làm từ loại bột gạo tẻ nướng và hạn chế dùng dầu mỡ ít nhất có thể. Thêm vào đó, bánh căn được tính theo cặp chứ không phải cái riêng rẻ.
Để làm ra được món bánh này quan trọng là phần bột được xay từ loại gạo tẻ ngon và chất lượng nhất. Bí kíp tạo được độ giòn nhất định cho bánh là trước khi xay, người ta sẽ trộn chung vào bột một ít cơm nguội phơi khô. Điều đặc biệt khi làm bánh căn là phải dùng gạo khô, tránh dùng gạo mới, gạo dẻo vì sẽ tạo độ dính, khó tách bánh khỏi khô. Khi đong nước phải chú ý không được để bột quá loãng hoặc quá đặc để bánh không bị nhão, khê khi chín.
Không chỉ ở khâu đổ bột, muốn có phần bánh căn ngon đúng điệu thì phải dùng khuôn đất. Đó là dạng lò đất nung, mặt trên có nhiều lỗ tròn vừa đủ để đặt khuôn bánh lên trên. Đây chính là những lỗ thông hơi để hơi lửa có thể bốc lên làm chín bánh. Muốn được như vậy, phải canh bánh sao cho vừa đạt là lấy ra liền, cạo sạch khuôn cho mẻ tiếp theo.
Khi khuôn nóng và lửa than sẵn sàng, người bán hàng khéo léo đổ lượng bột nhỏ vào khuôn rồi đậy nắp lại. Bánh chín thì cạy ra, lật ngược để lên bánh khác. Cứ như vậy, bánh căn ở đây không tính từng cái mà tính theo cặp hai chiếc bánh úp vào nhau. Bánh căn ngon phải đảm bảo độ giòn nhẹ bên ngoài, xốp mềm bên trong, vỏ trắng vàng, thơm nhưng không bị cháy khét. Sau khi bánh trong khuôn chín cô sẽ cho ra khay và cho thêm xíu mỡ hành rồi úp theo cặp.
Bánh căn nguyên bản chỉ đơn giản là bột không ăn cùng nước chấm nhưng sau này người ta đã biến tấu đa dạng hơn với trứng, tôm, thịt heo bằm… để mang đến cho thực khách những tầng hương vị mới đậm đà hơn. Khi phần bột bánh vừa chín tới sẽ rắc thêm hành lá xắt nhỏ để dậy hương thơm cho bánh. Từng chiếc bánh trắng bên trong, hơi xém vàng vỏ ngoài trung hoà mới màu trứng cút vàng óng ả, tôm biển đỏ tạo nên một tổng thể bắt mắt cho món ăn.
Khác với ngoài Bắc chỉ ăn bánh căn cùng mắm giấm thì ở đây bạn sẽ được thưởng thức nhiều hương vị nước chấm độc đáo hơn như là nước mắm chua ngọt pha loãng cùng tỏi và ớt, nước cá nục kho đậm vị, mỡ hành và xíu mại kèm với măng, dưa da, trứng hay mắm nêm lạ miệng. Có thể nói rằng, một phần nước chấm ngon chính là điểm nhấn làm nên “cái hồn tinh túy” cho món bánh căn nơi đây.
Có thể nói rằng, bánh căn mang sự kết hợp của tinh hoa lòng đất và đại dương từ những hạt gạo trắng tròn đến tôm, cá tươi ngon và cả sự tẩn mẩn, cẩn thận qua những đôi bàn tay dẫm sương dãi nắng thô ráp nhưng lại khéo léo tới mức khiến bao du khách ngỡ ngàng. Hy vọng khi ghé Phước Tỉnh, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức món bánh căn dân dã của người dân nơi đây.
Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.