NGHỀ LÀM MUỐI TẠI LONG SƠN – HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM HƯƠNG VỊ CỦA BIỂN CẢ

23/05/2023
#Long Sơn #Vũng Tàu
NGHỀ LÀM MUỐI TẠI LONG SƠN – HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM HƯƠNG VỊ CỦA BIỂN CẢ

Là một xã đảo trực thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Long Sơn không chỉ được biết đến là nơi nuôi hàu số lượng lớn chất lượng mà còn nổi tiếng với nghề làm muối có thâm niên hàng trăm năm tuổi. Những cánh đồng muối mênh mông vô tận dưới cái nắng gió của biển đã trở thành nét đặc trưng và gắn bó thân thiết với cuộc sống mưu sinh của diêm dân nơi đây.

Cùng Ăn chơi Vũng Tàu tìm hiểu đôi nét về nghề làm muối tại Long Sơn để từ đó trân trọng hơn những hạt muối được kết tinh từ mồ hôi và công sức của bao con dân bám biển nơi xã đảo.

Từ Vũng Tàu men theo quốc lộ 51, rẽ trái qua cầu Gò Găng, bạn sẽ bắt gặp những cánh đồng muối trắng muốt tại Long Sơn. Với tổng diện tích ruộng muối vào khoảng 90 ha, nghề làm muối vẫn được coi là nguồn thu nhập chính giúp cho nhiều diêm dân ở Long Sơn trang trải cuộc sống thường ngày. 

Người dân nơi đây vẫn thường tâm sự, cái nghề làm muối này trông trời, trông đất, trông mây. Bởi thiên nhiên có ủng hộ, thời tiết có thuận lợi thì sản lượng muối thu hoạch mới được cao mà bà con cũng bớt phần lao đao, lận đận. Muối được sản xuất chủ yếu vào mùa khô, diễn ra từ tháng 9 âm lịch năm trước tới tháng 3 âm lịch năm sau. Đây được coi là thời điểm thích hợp nhất trong năm vì nước biển có độ mặn lớn, trời không mưa, nắng gắt và gió ổn định.

Để có muối thu hoạch, ngay từ đầu mùa vụ (tầm tháng 9 âm lịch), những người dân ở xã Long Sơn đều đồng loạt bảo nhau đắp sửa bờ đục, dẫn nước vào ruộng để giữ được độ mặn. Tùy vào nhu cầu của từng hộ gia đình mà mỗi ruộng muối sẽ có kích thước khác nhau. Sau khi dẫn nước, các bờ ngăn, bờ nội cũng được đắp ngay ngắn. Quy trình chuẩn bị không gian để muối kết tinh về cơ bản là hoàn thành.

Đợi đến tháng 11 âm lịch, khi ruộng muối đã đạt tiêu chuẩn, đất cứng; bà con bắt tay vào kéo sình, phơi nền ruộng, dẫn nước biển chảy vào để nước bay hơi sau đó kết tinh thành muối. Kể từ khi dẫn nước vào ruộng, cứ khoảng sau một tuần, người dân sẽ tiến hành cào muối một lần và lặp đi lặp lại công đoạn dẫn nước- chờ muối kết tinh – thu hoạch như thế cho tới khi kết thúc mùa khô.

Muối sau khi được thu hoạch, phơi khô và làm sạch không những có vị mặn đặc trưng của nước biển mà còn chứa đựng cả vị mặn của những giọt mồ hôi lam lũ, đầy nhẫn nại của người dân nơi xã đảo Long Sơn. Mấy tháng trời ròng rã đội nắng, đội gió để tạo ra những hạt muối thuần khiết nhất, người dân chỉ mong đến lúc được xúc muối vào xe và đẩy về kho muối, ngắm nhìn thành quả do chính sức lao động của mình tạo ra.

Mặc dù hiện nay đã có nhiều phương tiện, máy móc cũng như phương pháp làm muối hiện đại, đem lại hiệu suất cao hơn nhưng bà con tại xã Long Sơn vẫn trung thành với nghề làm muối truyền thống. Những hạt muối được đóng gói cẩn thận, mang theo nét đẹp giản dị, có chút hoang sơ của vùng xã đảo cứ thế được gửi tới tay người mua bằng cả sự chân tình và kết tinh bao khó nhọc của người dân nơi đây.

Muối Long Sơn có thể dùng để làm gia vị, ướp cá hay phục vụ cho quá trình làm mắm nước,…Ngoài ra nó còn giúp bổ sung I-ốt, ngăn ngừa chứng suy giảm trí nhớ và bảo vệ sức khỏe răng miệng nếu bạn súc miệng thường xuyên. Vì được sản xuất thủ công, truyền thống nên chất lượng muối luôn được đảm bảo và thường được vận chuyển đến các tỉnh Tây Nam Bộ hay xuất khẩu sang nước bạn Campuchia để bán hay đổi lấy gạo ăn.

Đối với người dân Long Sơn nói riêng và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói chung, nghề làm muối chính là một nét đẹp văn hóa cần được duy trì và tiếp nối vì nó không chỉ là huyết mạch cho nguồn sống mà còn là nguồn tài sản quý giá vô tận mà biển cả đã ưu ái ban tặng cho con người.

Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status