NHÀ TÙ CÔN ĐẢO – ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

02/09/2021
#Côn Đảo
NHÀ TÙ CÔN ĐẢO – ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

Nhà tù Côn Đảo nằm ngoài vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được Thống đốc Nam kỳ Bonard ký quyết định thành lập ngày 1/2/1862, gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này.

Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập – “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần.

1. Trại 1

Còn gọi các tên: Banh III, Lao III, trại Bác Ái, trại Phú Thọ. Trại 1 được xây dựng năm 1928, với tổng diện tích 12.700m2 trong đó diện tích phòng giam là 1.200m2. Thời Pháp gồm có 3 dãy phòng giam, trong đó có 2 dãy phòng giam tập thể và 1 dãy biệt lập, 1 khu nhà bếp, 1 khu bệnh xá. Sau Cách mạng tháng 8-1945 trại giam này được chỉnh trang lại còn 2 dãy phòng giam (từ phòng 1-8). Thời Mỹ – Ngụy, xây thêm 2 phòng 9 và 10 phía sau bệnh xá. Đặc biệt phòng 10, Mỹ – Ngụy dùng làm khu biệt lập để bổ sung cho khu chuồng cọp nên được ngăn ra 15 khu biệt giam. Người tù bị giam ở đây đã đặt cho nó một biệt danh là: “Biệt lập chuồng gà”.

2. Trại 2

Còn được biết đến qua các tên Banh I, lao I, trại Cộng Hòa và sau cùng được gọi là trại Phú Hải (11/1974). Trại 2 được xây dựng năm 1862 và chỉnh trang lại kiên cố năm 1896 với tổng diện tích 12.015m2, trong đó diện tích phòng giam 2.915m2, nhà phụ thuộc 1.531m2; khoảng trống, cây xanh 7.569m2. Trại 2 bao gồm 10 phòng giam tập thể, 01 phòng giam đặc biệt, 20 xà lim (hầm đá), 01 hầm xay lúa (thời Mỹ ngụy chuyển thành bệnh xá), 01 khu đập đá. Ngoài ra còn có các công trình phụ như: Câu lạc bộ, phòng hớt tóc, nhà bếp, nhà ăn, giảng đường, nhà nguyện, phòng trật tự, nhà kho, văn phòng giám thị và sân vườn. Đây là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo, nơi đây mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử.

3. Trại 3

Còn gọi các tên: Banh II, Lao II, Trại Nhân Vị, trại Phú Sơn. Trại được xây dựng năm 1916, nằm cạnh Banh I với tổng diện tích 13.228m2 trong đó diện tích phòng giam 2.414m2, nhà phụ thuộc 854m2, khoảng trống, cây xanh 9.960m2. Banh II bao gồm 13 phòng giam tập thể, 01 khu biệt lập có 14 xà lim, 01 phòng tối. Ngoài ra còn có các công trình phụ như: Phòng y tế, nhà ăn, nhà bếp, câu lạc bộ, phòng hớt tóc, phòng trật tự, văn phòng giám thị và sân vườn.

4. Trại 4

Còn gọi là Banh III phụ, Lao III phụ, trại Phu Bác Ái, trại Phú Tường. Xây dựng năm 1941 với tổng diện tích 5.804m2, trong đó diện tích phòng giam là 962m2, nhà phụ thuộc: 152m2, khoảng trống: 4.690m2. Bao gồm 08 phòng giam tập thể (chia làm 2 dãy, mỗi dãy 4 phòng); công trình phụ: nhà bếp, nhà kho, bệnh xá và sân vườn.

5. Chuồng Cọp Pháp

Xây dựng năm 1940 với tổng diện tích là 5.475m2 trong đó diện tích phòng giam là 1.408m2, phòng tắm nắng: 1.873m2, khoảng trống: 2.194m2. Bao gồm: 120 phòng biệt giam (chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng, bên trên có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù. Ngoài ra còn có 60 phòng không có mái che được gọi là “Phòng tắm nắng” (chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng). Phòng tắm nắng còn là nơi để dùng hành hạ, phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập, tra tấn.

6. Trại 5

Còn gọi là trại Phú Phong được xây dựng năm 1962 với tổng diện tích: 3.594m2 trong đó diện tích phòng giam 1.400m2, bao gồm 12 phòng giam tập thể chia làm 3 dãy (mỗi dãy 4 phòng) và một khu nhà bếp.

7. Trại 6

Còn gọi là trại Phú An, xây dựng năm 1968 với tổng diện tích: 42.140m2 trong đó: Diện tích phòng giam 2.556m2, nhà phụ thuộc: 696m2, nhà ở: 27m2, khoảng trống: 38.861m2. Trại bao gồm 20 phòng giam và 8 xà lim được chia làm 2 khu A và B, (mỗi khu có 10 phòng giam và 4 xà lim). Ngoài ra còn có nhà bếp, nhà ăn, nhà trật tự.

8. Trại 7

Còn gọi là trại Phú Bình hay “Chuồng cọp kiểu Mỹ”. Trại được xây dựng năm 1971 với tổng diện tích: 25.741m2, trong đó: diện tích phòng giam 2.562m2, nhà phụ thuộc: 637m2, nhà ở: 173m2, khoảng trống: 22.369m2. Trại bao gồm: 384 phòng biệt giam chia ra làm 4 khu: AB – CD – EF- GH. Mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy 48 phòng, nhà kho, nhà bếp, văn phòng giám thị, bệnh xá. Quanh trại được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai và tường bê tông.

9. Trại 8

Còn gọi là trại Phú Hưng được xây dựng năm 1971 với tổng diện tích: 26.200m2. Trại bao gồm: 20 phòng giam và 8 xà lim, chia ra làm 2 khu, mỗi khu 10 phòng và 4 xà lim, cùng các công trình phụ, như nhà Giám thị, vọng gác. Bao quanh trại là hệ thống hàng rào dây thép gai.

10.Trại 9

Khi Mỹ – ngụy đang cho đổ bê tông nền, đúc cột dựng trại, thì Hiệp định Paris ký kết nên trại này đã bị bỏ dở.

11. Khu biệt lập Chuồng Bò

Được hình thành năm 1876 nhằm mục đích phục vụ nhu cầu nuôi bò cung cấp thực phẩm cho bộ máy cai trị tù. Nơi đây còn là cơ sở nuôi dê, ngựa, heo, gà, vịt, bồ câu; có lúc nơi đây kiêm luôn làm rẫy, đốn củi với tên gọi kép Sở Rẫy – Chuồng Bò, Sở Củi – Chuồng Bò. Ban đầu khu chuồng bò gồm 2 chuồng nhốt bò, một hầm chứa phân bò. Hầm phân bò sau 3m chia 2 ngăn có hệ thống cống dẫn ngầm từ chuồng nuôi bò sang. Bên cạnh đó còn có thêm 24 hộc chứa heo.

Đến năm 1930, thực dân Pháp cho xây dựng thêm 9 phòng giam, sử dụng chuồng bò như một trại giam các tù nhân nữ. Ngoài ra còn sử dụng hầm phân bò này để ngâm người tù như một biện pháp tra tấn hành hạ.

Sang thời Việt Nam Cộng hòa, khu chuồng bò, còn được gọi là trại An Ninh Chuồng Bò, trực thuộc Trại 4, vẫn với công năng như trước. Năm 1963, Chuồng Bò được gấp rút sửa chữa, cải tạo các 24 hộc chứa heo và xây dựng lại thành 3 khu nhà biệt giam A, B, C với 33 phòng biệt giam. Từ năm 1973, Chuồng Bò là văn phòng của tiểu Ban điều tra khai thác thuộc Ban chuyên môn với tổng diện tích: 4.110m2 trong đó: diện tích phòng giam: 547m2, chuồng trại: 270m2, khoảng trống: 3.293m2.

Là một di tích đặc biệt, hệ thống nhà tù Côn Đảo là nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của Pháp và Mỹ, điển hình về chế độ áp bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, tù nhân lao động khổ sai đến kiệt sức; là nơi mà kẻ thù hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng và niềm lạc quan của người tù yêu nước.

Nhà tù Côn Đảo cũng là “Trường học Cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).

Nguồn: Thuy Thuy – Group Check In Viet Nam

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status