TANG LỄ CÁ ÔNG Ở PHƯỚC HẢI – PHONG TỤC TÂM LINH ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯ DÂN VÙNG BIỂN

Đối với bất kỳ ai lần đầu nghe về lễ tang cá Ông, có thể sẽ cảm thấy có một chút bí ẩn và khó hiểu. Tại sao cá – một sinh vật biển tưởng chừng như vô thưởng vô phạt lại được các chủ ghe và cả một cộng đồng ngư dân tổ chức tang lễ một cách trang trọng, đưa tang chôn cất và thờ cúng như người thân trong gia đình? Nếu bạn cũng cùng thắc mắc thì hãy thử tìm hiểu về Lễ tang cá Ông ở Phước Hải với
Với người dân bám biển lâu năm ở Phước Hải, cá Ông là vị thần bảo hộ, mang lại may mắn và bình an cho những chuyến đi biển xa. Khi một cá Ông chết, hay còn gọi là “lụy”, người phát hiện ra được coi là “trưởng nam” của Ông và từ đó, một chuỗi nghi lễ tôn kính bắt đầu…

Từ bao đời nay, tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của ngư dân Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng biển miền Trung và Nam Bộ. Ngư dân tin rằng Cá Ông là một vị thần biển cả, luôn che chở và bảo vệ họ trước sóng to gió lớn.
Khi Cá Ông lụy (qua đời), chủ ghe – người đầu tiên nhìn thấy Cá Ông lụy – sẽ chịu tang và thực hiện các nghi lễ giống như với người thân trong gia đình để bày tỏ lòng thành kính. Tùy vào kích thước của Ông mà thời gian chịu tang có thể kéo dài từ 3 – 5 năm, các nghi lễ 49, 100 ngày hay thăm viếng dọn mộ được thực hiện như với lễ tang của người bởi người dân nơi đây tin rằng, nếu thờ phụng hậu sự cho cá Ông chu tất, họ sẽ có một mùa bám biển thuận lợi, bội thu.

Ở Phước Hải, có nghĩa trang Cá ông lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 2000m2. Đây cũng chính là nơi ngư dân địa phương và ban tổ chức tang lễ cho cá Ông chuẩn bị nơi an táng, đào hố cát sâu, lập bia sẵn sàng cho việc chôn cất. Cá Ông được Trưởng nam đưa lên bờ mai táng, được nằm trong cỗ quan tài gỗ bên trên có phủ tấm vải đỏ có chạm trổ hình rồng thiêng.

Nơi an nghỉ của cá Ông cũng là nơi chôn cất của hơn 500 ông Cá đã được ngư dân lo hậu sự từ năm 1999 đến nay, điều đó thể hiện rõ nét lâu đời và giá trị duy tâm đầy bản sắc vùng miền của người dân Phước Hải qua nhiều thế hệ.


Ngư dân địa phương truyền tai nhau rằng, những người được cá ông “chọn” để tạ thế chắc chắn sẽ gặp nhiều may mắn, làm được nhiều điều thiện. Câu chuyện ấy đã hiện hữu ở trong trường hợp của anh Phong – một người dân Phước Hải chân chất, thật thà; trong cùng ngày chịu tang cá Ông, ghe của anh đã cứu được 6 người gặp nạn trong đó có 4 người gặp nguy chênh vênh trên thúng, 2 người đã rơi xuống biển trong tình huống cực gian truân.
Sau 3 năm “chịu tang” cá Ông, người dân sẽ tiến hành bốc hài cốt cá Ông lên làm sạch bằng bàn chải và rượu, phần răng giữ lại làm kỷ vật hoặc trang sức, sau đó toàn bộ phần hài cốt được đưa về Dinh ông để thờ cúng và xả tang.

Ngày đưa Ông về Dinh, hài cốt được đặt trong chiếc quan tài trang trọng mà người ta hay gọi là “nhà mới”. Bên trên là lớp vải lụa đỏ phủ kín. Quan được ban tế lễ của Dinh rước bộ trên đoạn đường dài gần 2km, đi tới đâu, người dân cũng đều kính cẩn cúi đầu tiễn đưa Ông.

Ở Dinh Ông, người chịu trách nhiệm trông coi và đưa hài cốt của cá Ông vào hầm là chú Tư – ngư dân đã có hơn 40 năm bám biển. Mỗi năm, chỉ có rất ít chủ ghe xả tang, làm lễ rước Ông về Dinh, chú Tư kể rằng: “Ghe mà gặp được Ông lần thứ 2 là rất hiếm. Nếu ngư dân được Ông thì cực kỳ may mắn và ra khơi gặp nhiều thuận lợi”.

Hài cốt của Ông sẽ được phơi khô khoảng 5 tiếng trước khi đưa vào hầm. Và sau 3 ngày bốc cốt của Ông, chính quyền và đông đảo người dân sẽ tổ chức lễ Nghinh Ông về Dinh với nhiều hoạt động náo nhiệt như lễ cầu an, cúng giỗ tiền hiền, lễ nghinh thủy thần,…thu hút đông đảo cả du khách ngoại tỉnh.


Hát ca trạo là một nghi thức quan trọng trong Lễ hội Nghinh Ông ở Phước Hải, diễn ra ngay sau khi đón Ông về an vị. Đây không chỉ là một hình thức diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc mà còn tái hiện đầy sống động cảnh chèo thuyền ra khơi, phản ánh ánh tinh thần minh cường, lạc quan và khát vọng về một cuộc sống ấm no của ngư dân. Mỗi nhịp chèo, mỗi câu hát vang lên đều chất chứa lòng tôn kính, sự tri ân sâu sắc của cộng đồng ngư dân đối với cá Ông – vị thần biển linh thiêng đã đời che chở, phù hộ họ vượt qua sóng dữ.


Với 80% cư dân sống bằng nghề chài lưới, bám biển quanh năm, Phước Hải chính là vùng đất của những câu chuyện làng chài, những giá trị chân thực về phong tục, tín ngưỡng thần Biển. Chẳng ai bảo ai, bao thế hệ nối tiếp nhau, không năm nào, người dân không bảo nhau chuẩn bị, đóng góp để tổ chức lễ Nghinh Ông thật trang nghiêm, hoành tráng. Có lẽ bởi họ tin rằng, có thờ có thiêng, nếu đã chọn cuộc sống bươn mình trên sóng biển để mưu sinh, làm ăn lương thiện thì tất yếu, cũng sẽ có ngày được cá Ông phù hộ.
Nếu bạn là người yêu thích những giá trị truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ, có sự cảm mến sâu sắc với vùng đất biển Phước Hải, hãy thử một lần tới đây và trải nghiệm lễ hội Nghinh Ông và 15/2 âm lịch hàng năm. Ăn Chơi Vũng Tàu tin rằng bạn sẽ có những góc nhìn đa chiều hơn không chỉ về văn hóa, tâm linh mà còn cả về cuộc sống nếu có dịp được tham gia Lễ tang cá Ông ở Phước Hải.
Xem thêm: TOP 10 ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH PHƯỚC HẢI – ĐẤT ĐỎ NHẤT ĐỊNH KHÔNG ĐƯỢC BỎ QUA
Bài viết từ team Ăn Chơi Vũng Tàu