TOP 7 DI TÍCH, NHÀ THỜ NỔI TIẾNG TẠI LONG ĐIỀN MÀ HỘI MÊ KHÁM PHÁ LỊCH SỬ NHẤT ĐỊNH PHẢI BIẾT!

13/08/2023
#Long Điền
TOP 7 DI TÍCH, NHÀ THỜ NỔI TIẾNG TẠI LONG ĐIỀN MÀ HỘI MÊ KHÁM PHÁ LỊCH SỬ NHẤT ĐỊNH PHẢI BIẾT!

Mỗi lần có dịp đến Bà Rịa – Vũng Tàu, hẳn bạn đều đã nghe cái tên Long Điền được nhắc tới nhiều lần. Vốn có lịch sử hình thành từ lâu, nơi đây được coi là cái nôi đời sống tinh thần đầy phong phú và sâu sắc của người dân địa phương, quy tụ hàng loạt địa điểm nổi tiếng còn lưu lại dấu ấn văn hóa – đời sống đặc trưng miền đất biển. Nếu là một người đam mê khám phá lịch sử, đừng bỏ qua bài viết này vì Ăn chơi Vũng Tàu sẽ gợi ý cho bạn các di tích, nhà thờ độc đáo mà nhất định tới Long Điền bạn phải biết.

Dinh bà cố

Nằm trên đỉnh Núi Dinh Cố linh thiêng, Dinh Bà Cố là địa danh lịch sử xuất hiện thường xuyên trong các tour du lịch của khách trong và ngoài tỉnh dạo gần đây.

Tương truyền, dinh đã được xây dựng cách đây 250 năm, thờ một vị Hiền nữ. Mặc dù bức tranh cổ vẽ lại ảnh miếu thờ ngày trước đã bị bom đạn của chiến tranh làm cho hoen ố nhưng người dân Long Điền vẫn truyền tai câu chuyện nhóm thương thuyền người Thanh đi biển gặp nạn và được vị Hiền nữ này hiển linh cứu vớt.

Vì nằm trên đỉnh núi cao nên đường lên tới Dinh Bà Cố khá dốc nhưng không hề khó đi. Bậc thang dẫn lên dinh Bà được xây đủ rộng và chắc chắn, hai bên là thanh chắn và các trụ màu vàng có khắc chữ. Điện thờ của bà được bài trí theo kiểu tam cấp truyền thống, bên ngoài là phòng khách và sân đấu võ rộng đủ để phục vụ du khách thập phương mỗi dịp lễ hội.

Mộ Đôi xã An Ngãi

Mộ đôi nằm trên một quả đồi nhỏ thuộc xã An Ngãi, huyện Long Điền, được xây dựng vào năm 1977, trong một vùng đất hoang vu và heo hút. Dù vùng đất đã được cải tạo và phát triển song ngôi mộ nhiều năm vẫn không có sự xê dịch.

Tương truyền, đây là nơi yên nghỉ của một cặp tình nhân bị gia đình phản đối yêu nhau. Họ đã bỏ trốn cùng nhau tới xã An Ngãi và quyết định lập nghiệp, bắt đầu cuộc sống chung hạnh phúc vào khoảng 40 năm về trước. Vào một ngày mưa gió bão bùng, cặp đôi này đã tự tử bằng cách treo cổ trong ngôi nhà nhỏ, khi ấy người vợ còn đang mang thai. Câu chuyện buồn này đã khiến nhiều người dân địa phương vô cùng cảm động và ngưỡng mộ tình yêu của họ, quyết định xây dựng mộ đôi để tưởng nhớ và cầu nguyện cho đôi vợ chồng xấu số.

Ngôi mộ đôi đã trở thành một điểm thăm quan linh thiêng, thu hút nhiều người đến đây, đặc biệt là những người muốn cầu may về tiền bạc. Rất nhiều câu chuyện về sự hiển linh của cặp vợ chồng trẻ đã được người dân truyền tai nhau, trong đó có người phụ nữ địa phương nhờ tới mộ khấn vái mà công việc làm ăn được rộng mở, đã tự nguyện tới chăm sóc và làm công quả cho mộ đôi để đền ơn tích đức.

Mộ Bà Rịa xã Tam Phước

Bà Rịa, còn được gọi là Nguyễn Thị Rịa, là một nhân vật có công lao lớn trong lịch sử vùng Bà Rịa – Vũng Tàu. Sở dĩ Mộ Bà được nhiều du khách quan tâm và tới phúng viếng đông đảo hàng năm là bởi cảm kích công lao của bà trong việc kêu gọi dân chúng sửa chữa cầu đường hư hại và sung 300 mẫu ruộng do Bà khai hoang vào công điền, chia cho người nghèo khổ sau khi bà mất.

Mộ Bà được chính quyền địa phương xây dựng khang trang, rộng rãi tại xã Tam An nay là xã Tam Phước, huyện Long Điền. Bên trong khu mộ còn có bức tượng lớn khắc cảnh nhân dân chèo ghe, xuống biển ý muốn cầu an cho mưa thuận, gió hòa.

Hằng năm, người dân địa phương vẫn tổ chức lễ cúng vào đúng lúc 12h trưa ngày 16/6 âm lịch để tưởng nhớ và giáo dục lớp trẻ nhớ tới công lao của bà. Sự hiện diện của ngôi mộ như một chứng nhân lịch sử to lớn góp phần không nhỏ vào làm phong phú thêm truyền thống văn hóa vẻ vang của Long Điền.

Mộ Châu Văn Tiếp

Bổ sung thêm vào danh sách những ngôi mộ nổi tiếng tại xã Tam Phước, mộ Châu Văn Tiếp tọa lạc tại ấp Phước Lăng là công trình được xây dựng bề thế nhằm tưởng nhớ tới bậc đệ nhất công thần nhà Nguyễn. Ông là người từng chiếm cứ núi Trà Lang, được chúa Nguyễn Phước Nhuần thu nạp, được vua Minh Mạng phong phẩm tước võ quan và là người có công lớn trong vận động quần chúng nhân dân trong phong trào khởi nghĩa.

Toàn bộ ngôi mộ có tổng diện tích 53m2, xây bằng gạch, hỗn hợp vôi và mật mía. Khi tới đây tham quan, thắp hương, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy lối kiến trúc cổ rất đặc trưng thời xưa bao gồm: bình phong, cổng mộ, văn bia, cổng tả, cổng hữu, mộ chính, bia hậu chẩm. Bên cạnh mộ chính của Châu Văn Tiếp là mộ phu nhân của ông. Nhìn từ trên cao, ngôi mộ không khác gì một thủ phủ thu nhỏ với đầy đủ cổng, tường kiên cố.

Nhà thờ Giáo xứ Long Điền

Là biểu tượng cho tín ngưỡng của đại đa số người dân Long Điền, nhà thờ Giáo xứ Long Điền vừa mang nét đẹp cổ kính vừa ghi đậm dấu ấn trong đời sống tinh thần tại địa phương.

Nhà thờ được chính thức xây dựng vào năm 1969, với tường gạch, mái lợp tole và nổi bật là tòa tháp chuông cao 10m. Lối kiến trúc bên ngoài có một chút hơi hướng kiểu Pháp, màu sắc chủ đạo là đỏ và vàng cam, tạo cảm giác rất xưa và ấm áp.

Năm 2009, Cha Tôma, Giám Mục giáo phận nâng Long Điền lên hàng giáo xứ và bổ nhiệm cha Giuse Trần Hữu Lâm làm chánh Xứ tiên khởi. Giáo xứ đã quy tụ 1600 nhân danh trên khắp địa bàn huyện và trở thành địa điểm thường xuyên lui tới cầu nguyện của nhiều người dân trong và ngoài tỉnh.

Nhà thờ Giáo xứ Hải Lâm

Nằm tại ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng, huyện Long Điền, nhà thờ giáo xứ Hải Lâm được xây dựng với lối kiến trúc vô cùng đặc biệt. Theo người dân địa phương, ban đầu, nhà thờ chỉ có quy mô vỏn vẹn là một ngôi nhà nguyện làm bằng mái tranh, vách lá có kích thước 8m x 6m. Năm 2005, sau khi được Cha cố Giuse Phạm Ngọc Tuyến kêu gọi, nhà thờ đã được hoàn thiện khang trang với Đài Đức Mẹ, Nhà Hài Cốt, Nhà Mục Vụ, Nhà Giáo Lý,..

Tháng đường được trang trí vô cùng tinh tế, trịnh trọng; tháp chuông cao sừng sững đầy vẻ uy nghiêm. Nếu nhìn những bức ảnh chụp từ trên cao, bạn sẽ phải bất ngờ bởi cách xây dựng nhà thờ hoàn toàn khác biệt, các phiến mái chia thành 3 tầng so le nhau nhìn vô cùng độc đáo. Đài Đức Mẹ được dựng trên một tảng đá lớn, nằm tách biệt với thánh đường, cũng mang vẻ uy nghiêm, linh thiêng.

Có dịp đến đây, bạn có thể dành chút thời gian vào tham quan Đài đức mẹ hoặc chụp ảnh trước tháp chuông, thánh đường. Chắc chắn những bức ảnh của bạn sẽ cực kỳ hút mắt đấy.

Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Chân Tiên

Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Chân Tiên tại xã An Ngãi là một quần thể di tích gồm 5 đỉnh núi và nhiều bãi đá tự nhiên có hình thù kỳ lạ. Vốn nổi tiếng bởi truyền thuyết Tiên ông cùng các Tiên Đồng, Tiên Cô từng xuống đây dạo chơi, dùng nước ở Giếng ngọc tại chân núi rửa chân và để lại dấu chân trên mỏm đá nên Điện thờ được xây dựng tại chân núi hàng năm thu hút rất nhiều lượt khách du lịch ghé thăm để hành hương và chiêm ngưỡng vẻ đẹp vô thực của thiên nhiên.

Ở mỗi một vết tích mà theo nhân dân là dấu bàn cờ của Tiên Ông chơi ngày xưa hay dấu chân của Tiên nữ đều có bàn thờ tưởng nhớ. Đi theo từng bậc thang lên trên, bạn sẽ thấy điện thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ uy nghiêm cùng bàn thờ Sơn Thần đã cai quản ngọn núi Chân Tiên và chở che cho những người dân phương xa đến cầu may cầu phúc. Mặc dù không xây dựng với quy mô quá hoành tráng nhưng vẻ đẹp thuần khiết, trữ tình từ cây cối, thiên nhiên đã biến nơi đây thành thắng cảnh có một không hai cực kỳ đáng nhớ.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, từ những lần khai phá, sáp nhập, đổi tên; Long Điền vẫn giữ vẹn nguyên nét đẹp lịch sử, nét đẹp trong đời sống tín ngưỡng của người dân địa phương thật thà chất phát. Ăn Chơi Vũng Tàu tin chắc rằng, những di tích, nhà thờ kể trên ở Long Điền sẽ làm cho chuyến đi của bạn thêm phần sâu sắc, ý nghĩa.

Muốn khám phá thêm nhiều điều mới mẻ về thiên nhiên và những quán cafe nổi tiếng tại Long Điền, bạn có thể tham khảo bài viết sau đây: CHECKLIST NHỮNG TOẠ ĐỘ CAFE SỐNG ẢO ĐẾN CHẲNG MUỐN VỀ TẠI LONG ĐIỀN

Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status