TRẬN ĐỊA PHÁO CỔ LỚN NHẤT ĐÔNG DƯƠNG TẠI VŨNG TÀU
Từ những năm cuối thế kỷ 19, người Pháp đã rất quan tâm đến việc phòng thủ bảo vệ Vũng Tàu – vùng đất vừa là pháo đài hướng biển, cửa ngõ chiển lược của khu vực Đông Nam Bộ, vừa là nơi nghỉ mát và dưỡng bệnh hàng đầu của người Pháp tại Đông Dương. Với vai trò chiến lược của Vũng Tàu đối với toàn khu vực Đông Nam Bộ hay nói rộng hơn là toàn bộ khu vực miền Nam Đông Dương, người Pháp đã biến nơi đây thành một cứ địa phòng thủ mạnh mẽ và kiên cố với hàng loạt các công trình quân sự lớn, trong đó phải kể đến nhất đó chính là trận địa pháo hướng biển ở Vũng Tàu – công trình được xem như là điểm mấu chốt của chiến lược biến Vũng Tàu thành một cứ địa bất khả chiến bại của người Pháp tại Đông Dương. Hiện nay trận địa pháo tại Vũng Tàu cũng là một trong những trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương.
Trận địa pháo cổ Vũng Tàu được xem như là một bộ sưu tập vũ khí cổ lớn nhất Đông Dương cho đến nay. Trận địa pháo cổ này bao gồm một loạt các ụ pháo lớn và các công trình quân sự kiên cố được xây dựng kéo dài từ phía Tây Bắc đến Đông Nam núi Lớn và núi Nhỏ – hai ngọn núi lớn thuộc thành phố Vũng Tàu.
Được bắt đầu xây dựng từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ 19 nhưng phải đến năm 1905 thi các trận địa pháo tại Vũng Tàu mới được hoàn thành chỉ với sức lao động của con người phi thường cùng với những công cụ lao động khá thô sơ. Sau khi hoàn thành, Vũng Tàu đã trở thành một phòng tuyến phòng thủ bờ biển lớn nhất, quy mô nhất, hiện đại nhất trên toàn Đông Dương lúc bấy giờ với ba trận địa pháo lớn hợp thành: trận địa núi Tao Phùng (núi Nhỏ), trận địa núi Lớn, trận địa Cầu Đá gồm 23 khẩu trọng pháo từ 140 li đến 300 li.
Nói đến tuyến phòng thủ biển ở Vũng Tàu thì ta phải nhắc đến ngay Trận địa pháo Núi Lớn – trận địa pháo lớn nhất, kiên cố nhất và hiện đại nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Được xem như là nắm đấm thép của của người Pháp trong chiến lược phòng thủ, tấn công lẫn kiểm soát toàn bộ cửa biển miền Đông Nam Bộ bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho trung tâm nghỉ dưỡng của người Pháp tại Vũng Tàu lúc bấy giờ.
Trận địa pháo núi Lớn gồm 17 trọng pháo do Pháp chế tạo – mỗi khẩu pháo dài trên 4 mét, nặng trên 15 tấn và có cỡ nòng 240 li – được bố trí theo hình vòng cung đặt trên một diện tích rộng hơn 1 héc ta tại độ cao 100 mét so với mực nước biển trên núi Lớn, Vũng Tàu. Trận địa pháo núi Lớn được xem như là một nắm đắm thép từ xa bảo vệ khu vực biển Đông hướng Cần Giờ.
Các khẩu pháo thuộc trận địa pháo Núi Lớn đều được đặt trên mâm pháo có khả năng quay 360 độ và nâng cao hay hạ thấp góc bắn nhờ hệ thống trục bánh răng gắn với bệ pháo được cố định. Ngoài ra, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu cho trận địa pháo, người Pháp còn xây dựng hầm chứa đạn lẫn hệ thống giao thông hào đằng sau mỗi khẩu pháo bên cạnh các hầm pháo thủ được xây dựng xung quanh khu vực trận địa pháo.
Trận địa pháo đóng vai trò quan trọng thứ hai trọng tuyến phòng thủ biển Vũng Tàu đó chính là trận địa pháo Tao Phùng hay còn gọi là Trận địa pháo núi Nhỏ. Trận địa pháo này được xem như là một chốt tiền tiêu của Pháp trong chiến lược bảo vệ vùng biển Phước Tỉnh, Long Hải, vùng biển phía Đông và phía Nam Vũng Tàu. Để có thể đáp ứng được nhu cầu trên, trận địa pháo Tao Phùng đã được xây dựng thành 3 cụm pháo nhỏ với vai trò đảm bảo phòng thủ cho 3 khu vực khác nhau.
Cụm pháo thứ nhất nằm trên đỉnh núi Tao Phùng, ngay dưới chân tượng chúa Ki-tô cách mặt nước biển 136 mét. Cụm pháo này bao gồm 3 khẩu trọng pháo 240 li dài 12,33 mét có hình dáng giống nhau. Cụm pháo thứ hai được đặt tại ngọn hải đăng cách cụm pháo thứ nhất 300 mét về hướng Bắc. Khác với cụm pháo thứ nhất, cụm pháo này gồm 5 khẩu trọng pháo 300 li được bố trí thành hai ụ – một ụ 2 khẩu và một ụ 3 khẩu. Hiện nay, cụm pháo này chỉ còn lại 4 khẩu pháo bởi 1 khẩu pháo đã được di chuyển về Bạch Dinh trưng bày. Cụm pháo thứ 3 được đặt tại tịnh xá Ngọc Bích, cách cụm pháo thứ hai 300 mét, so với hai cụm pháo còn lại, cụm pháo này nhỏ hơn với 3 khẩu pháo có kích thước 140 li.
Trận địa pháo thứ ba nằm trong hệ thống pháo đài phòng thủ bờ biển tại Vũng Tàu đó chính là trận địa pháo Cầu Đá. Nếu hai trận pháo còn lại chính là nắm đấm thép từ xa bảo vệ vùng biển của Vũng Tàu thì trận địa pháo Cầu Đá lại mang trong mình nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Vũng Tàu khỏi các cuộc tấn công đổ bộ, bảo vệ cầu cảng, khu điện báo, Vịnh Hàng Dừa, Bãi Trước và cả vùng biển phía Tây Nam Vũng Tàu. Trận địa pháo này được bố trí ở phía Bắc núi Nhỏ trên độ cao khoảng 15 mét với 4 khẩu pháo 240 li dài 5,5 mét, cách nhau 18 mét và tất cả đều hướng về khu vực biển Bãi Trước – Cần Giờ.
Cho đến thời điểm này, dù đã phải trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nhưng những khẩu pháo vĩ đại này vẫn còn tồn tại với thời gian và không hề hen gỉ dù đã có tuổi đời trên trăm năm.
Nguồn Sưu Tầm