VÒNG THÀNH ĐÁ TRẮNG – DI TÍCH HIẾM HOI CÒN SÓT LẠI CỦA NAM BỘ ĐỦ TIÊU CHÍ XẾP HẠNG DI TÍCH QUỐC GIA

22/10/2023
#XUYÊN MỘC
VÒNG THÀNH ĐÁ TRẮNG – DI TÍCH HIẾM HOI CÒN SÓT LẠI CỦA NAM BỘ ĐỦ TIÊU CHÍ XẾP HẠNG DI TÍCH QUỐC GIA

Nằm tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc; Vòng thành Đá Trắng là một trong những niềm tự hào của người dân địa phương bởi giá trị lịch sử lâu đời và có đầy đủ tiêu chí để trở thành di tích quốc gia.

Di chỉ thành cổ hiếm hoi còn sót lại của Nam Bộ này lưu giữ nhiều dấu ấn của thời kỳ Chân Lạp và Champa, phục vụ tích cực cho công tác nghiên cứu, khảo cổ của các nhà khoa học về yếu tố con người và lịch sử.

VÒNG THÀNH ĐÁ TRẮNG – NGUỒN TƯ LIỆU KHẢO CỔ ĐẮT GIÁ CỦA TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU

Vòng thành đá trắng được khảo sát lần đầu tiên vào năm 2002. Theo ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc sở VH – TT tỉnh, kết quả khảo sát lần đầu cho thấy đây chính là di tích còn sót lại của một thành cổ bị phá hủy.

84 đồ đá, 92 đồ kim loại, 1216 vật đất nung và mảnh ngói,..cùng 200 ngàn mảnh vỡ khác nhau đến từ thời kỳ văn hóa Chân Lạp và Champa được khai quật từ hơn 70 hố đào tại vòng thành Đá Trắng đều mang giá trị nghiên cứu lịch sử to lớn.

Trong quá trình phân tích khảo cổ, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra sự tồn tại của 3 thời kỳ lịch sử tại khu di chỉ Vòng thành đá trắng.

Theo đó, lớp dưới cùng của vòng thành thuộc thời Tiền sử cách đây khoảng 2000 – 2500 năm; lớp giữa ở khoảng thế kỉ  VIII – X và lớp trên cùng là thuộc niên đại thế kỉ XIV – XVI – niên đại gần với chúng ta nhất. 

Tại buổi hội thảo di chỉ khoa học Vòng thành đá trắng vừa qua, hơn 180 mẫu đồ gốm sứ quý hiếm đã được các nhà khoa học khai quật và trưng bày. Đây cũng chính là nguồn tư liệu hiện vật dồi dào mà di tích lịch sử này đóng góp cho công cuộc nghiên cứu văn hóa và sự phát triển con người ở địa phương.

NÉT ĐẸP CỔ KÍNH, NHUỐM MÀU THỜI GIAN CỦA VÒNG THÀNH ĐÁ TRẮNG

Là người dân địa phương đi qua khu này hẳn sẽ đều có cảm nhận chung là vòng thành Đá Trắng như một chứng nhân của lịch sử qua nhiều đời thế hệ.

Ẩn sau lớp đất đá là sự sót lại của những mảng tường thành cổ, thâm niên từ lâu đời. Móng tường thành được xây bằng đá ong, lỗ chôn cột làm chòi canh, các đường mương dẫn nước, giếng cổ đều phản ảnh nét sinh hoạt dân cư hàng ngày.

Ngoài tường thành được xây vô cùng độc đáo, người ta còn tìm thấy trong khu di tích này rìu đá, mảnh sứ thời Minh, Trung Hoa, mảnh sành gốm Gò sành hoặc các trang sức bằng kim loại, đồng, thủy tinh,…

ĐỦ TIÊU CHÍ XẾP HẠNG DI TÍCH QUỐC GIA – BẢO TỒN VÀ GIỮ GÌN

Với tất cả những giá trị về lịch sử và nét đẹp của vòng thành đá trắng, địa điểm này xứng đáng được lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia.

Sự hiện diện của tòa thành trong bối cảnh rất nhiều những di tích thành cổ của Nam Bộ bị phá hủy, không còn khai quật được đã mở ra một nguồn tư liệu dồi dào để Tỉnh tiến hành khai thác và nghiên cứu, khẳng định vị thế của mình trong khu vực.

Các công cụ lao động phản ánh sự phát triển của nghề nông, nghề cá. Các hiện vật gốm sứ có nguồn gốc từ phía Bắc Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc cho thấy sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các vùng miền.

Trong suốt 2 thập niên vừa qua, di chỉ này đã xếp hạng thứ 4 cả nước về quy mô khai quật và giá trị di sản đóng góp cho nhân loại. Vòng thành đá trắng xứng đáng được biết đến như là một di sản quốc gia, là niềm tự hào rạng danh của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong công cuộc bảo tồn và giữ gìn.

Nếu có dịp ghé qua huyện Xuyên Mộc, bạn có thể tới vòng thành đá trắng để thăm thú, nhìn ngắm những dấu vết cổ đại lưu lại trong từng thành tường, hố khai quật. Ăn chơi Vũng Tàu tin chắc rằng bạn sẽ phải trầm trồ trước độ quy mô và vẻ đẹp cổ kính của nó đấy!

Ảnh: Báo BRVT, Thanh Niên, Lao Động

Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status