CỨU HỘ RÙA BIỂN Ở CÔN ĐẢO – CÔNG VIỆC THÚ VỊ NHƯNG ĐẦY VẤT VẢ

22/07/2022
#Côn Đảo #Rùa Biển Côn Đảo
CỨU HỘ RÙA BIỂN Ở CÔN ĐẢO – CÔNG VIỆC THÚ VỊ NHƯNG ĐẦY VẤT VẢ

Côn Đảo không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử, những rạn san hô đầy màu sắc dưới đáy đại dương, nơi đây còn có Vườn Quốc gia Côn Đảo với một hệ sinh thái các loại cỏ cây, thực – động vật hoang dã quý hiếm. Đặc biệt, vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của nước ta thực hiện chương trình cứu hộ rùa biển, cũng là nơi có hơn 90%  lượng rùa biển của cả nước. Có điều gì đặc biệt về những trạm kiểm lâm cứu hộ rùa biển? Cùng Ăn Chơi Vũng Tàu khám phá nhé!!!!

Loài rùa biển ở Côn Đảo chiếm 90% số lượng rùa biển tại Việt Nam. Vốn là vùng biển trong sạch, yên tĩnh, nơi đây mỗi năm có 300 – 400 rùa mẹ về đẻ trứng. Hơn 20 năm trước đây, khi chưa có khu bảo tồn rùa biển, không ít người nổi lòng tham đem trứng rùa đẻ trên biển đi bán trục lợi cá nhân. Đau đáu trước tình cảnh khai thác rùa và trứng rùa ồ ạt, đồng thời để bảo vệ loài vật quý hiếm và dễ tổn thương này, chương trình bảo tồn rùa biển Côn Đảo ra đời. 

Mùa cao điểm rùa biển sinh đẻ là tháng 7 đến tháng 9. Vào thời điểm này, rùa lên bờ để đẻ trứng rất nhiều và các kiểm lâm phải liên tục “đi rùa”, mỗi ngày khi trời tối cho đến sáng hôm sau. Chính vì thế, Vườn quốc gia Côn Đảo thường có những chương trình tuyển tình nguyện viên “cứu hộ” rùa biển vào thời điểm này hàng năm để chia sẻ công việc cùng với kiểm lâm viên. Người cứu hộ rùa có nhiệm vụ chờ đến khi rùa đẻ xong sẽ mang trứng rùa về ấp tại ổ nhân tạo.

Ảnh Zingnews.vn

Công việc cứu hộ rùa biển không hề đơn giản, thậm chí mất nhiều sức lực, bởi thời gian làm việc hoàn toàn là ban đêm. Khi trời tối, nước lớn cũng là lúc rùa mẹ bò vào bờ để đẻ trứng. Người cứu hộ bắt đầu đi tuần tra khu vực biển, nếu thấy rùa bò lên thì bắt đầu quan sát. Rùa sau khi lên bờ cát, chúng sẽ tìm tổ, đào ổ sau đó mới bắt đầu đẻ. Mỗi lần rùa đẻ trứng thường mất 3 – 4 tiếng. Trong thời gian này, người cứu hộ phải quan sát rùa trong bóng tối và hoàn toàn lặng lẽ, bởi đây là loài vật sợ ánh sáng và tiếng ồn. 

Sau khi rùa đẻ xong, nó sẽ lấp ổ lại và rời đi. Lúc này, người cứu hộ phải đào trứng lên và đưa về ổ nhân tạo đã được đào trong những khu vực an toàn, đảm bảo trứng không bị tác động bởi các yếu tố tự nhiên như thủy triều, sự va chạm của người qua lại. 

Trứng rùa được ấp trong khoảng 45 – 50 ngày, rùa con sẽ nở ra. Khoảnh khắc đưa những chú rùa con về với biển cả là giây phút hạnh phúc nhất với những người làm công tác cứu hộ rùa biển. Bởi họ biết bản thân đã góp một phần công sức của mình để nuôi dưỡng và phát triển hệ sinh thái rùa biển – loài động vật quý hiếm tại vùng biển Việt Nam!

Mỗi mùa cao điểm như vậy, các đội cứu hộ Côn Đảo đã thả về biển hơn 100.000 chú rùa con. Nhờ đó, vùng biển này trở thành thiên đường của loài rùa biển. Ở đây, những chú rùa ra đời, có điều kiện sinh sống sạch sẽ, đặc biệt là được phát triển nòi giống. Hy vọng rằng, chương trình cứu hộ rùa biển Côn Đảo ngày càng phát triển, để vùng biển Việt Nam có hệ sinh vật biển phong phú.

Nếu bạn là người yêu thích thiên nhiên, muốn một lần được nhìn thấy những “sứ giả của đại dương”, bạn có thể theo dõi và đăng ký chương trình tình nguyện viên cứu hộ rùa biển hàng năm nhé.

Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status