BÀU THÀNH – DI TÍCH XƯA NHẤT CỦA NGƯỜI VIỆT Ở NAM BỘ
Bàu Thành tọa lạc ở khu phố Long Phượng, TT.Long Điền, huyện Long Điền (Xem đường đi) là một trong những công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất vùng Nam bộ của người Chân Lạp xây dựng vào thế kỷ X-XI. Từ khi hình thành đến nay gần ngàn năm tuổi, trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử khai hoang mở cõi, nhưng nước trong Bàu Thành vẫn chưa bao giờ cạn, chính vì lẽ đó mới có câu ca dao:
“Bao giờ Bưng Bạc hết sình
Bàu Thành hết nước thì mình hết thương!”
Bàu Thành còn có tên gọi khác là Dục Tượng trì, bởi có nghiên cứu cho rằng, xưa kia đây là công trình được đào đắp làm nơi chứa nước để cho đàn voi chiến của nhà vua Chân Lạp luyện tập, uống nước và tắm. Nghiên cứu này phù hợp với câu chuyện lưu truyền trong dân gian về Dục Tượng trì là có cơ sở. Sự kiện đó diễn ra vào nửa cuối thế kỷ XVII (năm 1674), cách nay 346 năm.
Theo sách Gia Định thành thông chí (của Trịnh Hoài Đức – tước quan Lại bộ Thượng thư kiêm Binh bộ Thượng thư triều Nguyễn) có viết: Lũy Phước Tứ ở phía Đông trạm Hương Phước, ngay đường cái quan. Trước kia, chính vương Cao Miên là Sô đóng ở thành Vũng Long, phó vương là Nộn đóng ở thành Sài Gòn. Con trai trưởng Sô là Bô Tâm vì không được làm vua, giết cha là Sô mà tự lập. Thế Nộn nguy bách, chạy sang dinh Thái Khang. Bô Tâm bèn tiến đánh Sài Gòn, đắp lũy đất ở đầu Mô Xoài, ngoài trồng tre gai, lại thêm binh và voi để phụ giữ, thế rất vững vàng… Tháng giêng, năm Giáp Dần (1674), Chúa Nguyễn sai tướng dinh Thái Khang là Nguyễn Dương đem quân đi đánh lũy Phước Tứ. “Dục Tượng trì tục gọi là Bàu Thành ở phía bắc lũy Phước Tứ, tổng Phước Hưng, huyện Phước An, trước là chỗ Bô Tâm nước Cao Miên đóng quân cho voi tắm, chung quanh đắp đê đất. Nay thành cũ vẫn còn”, sách Gia Định thành thông chí đã ghi.
Nơi đây đã ghi dấu một thời của binh lính Cao Miên đóng đồn dưới sự chỉ huy của Thống binh Bô Tâm, về sau là đồn binh của nhà Nguyễn để bảo vệ trị an và biên ải của đạo Mô Xoài trong buổi đầu khai phá vùng đất phương Nam của dân tộc Đại Việt. Chính tại nơi đây đã in dấu hai trận chiến đại thắng của quân dân Đại Việt dưới triều đại Nhà Nguyễn. Trận chiến thứ nhất vào năm 1658 do phó tướng Dinh Trấn Biên là Tôn Thất Yến chỉ huy, trận chiến thứ hai vào năm 1674, do chủ tướng Dinh Thái Khang là Nguyễn Dương Lâm chỉ huy, Nguyễn Diên làm tiên phong, bình định xứ Mô Xoài.
Cả hai lần đánh dẹp quân đội Chân Lạp, phá được lũy binh, đánh chiếm thành luỹ, bắt tướng giặc hàng phục, từ đó quân đội Cao Miên không dám xâm phạm biên ải và quấy nhiễu cư dân xứ Mô Xoài. Trong hai trận chiến đã thể hiện quyết tâm đồng sức đồng lòng của quân, dân Đại Việt dưới thời Nhà Nguyễn đánh thắng quân Chân Lạp gây hấn ở địa đầu biên ải (đạo Mô Xoài), bảo vệ cư dân Việt khai khẩn đất hoang, hình thành và xây dựng cộng đồng cư dân nơi vùng đất mới phương Nam. Theo Trịnh Hoài Đức: Thành lũy Mô Xoài (Lũy Phước Tứ) gắn với Bàu Thành là Di tích xưa nhất của người Việt ở Nam Bộ, thời khai hoang, mở cõi đất phương Nam, xứ Mô Xoài nơi người Việt dừng chân đầu tiên ở Nam bộ.
Di tích Bàu Thành được công nhận là Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1156/QĐ-UBND ngày 13/5/2016 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn.