KHÁM PHÁ MỘ CHÂU VĂN TIẾP – VỊ TƯỚNG TÀI CỦA TRIỀU NGUYỄN
Mộ Ông Châu Văn Tiếp tọa lạc trong Đình Thần Hắc Lăng, tại ấp Phước Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền, nơi đây đã được công nhận là Di tích Văn Hóa – Du Lịch cấp tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Hàng năm, vào ngày giỗ của ông 16 – 6, nhiều bà con và du khách đã đổ về đây để chiêm bái cũng như xem các chương trình lễ, hát.
Mộ Châu Văn Tiếp được xây ở Hắc Lăng vào đời vua Tự Đức thứ ba năm 1850, sau nhiều lần được thờ tại Hiền Trung (Sài Gòn), Vọng Các (Xiêm La) và Trung Hưng Công Thần miếu (Huế). Tuy nhiên, do bị chiến tranh tàn phá, năm 1851, mộ được xây mới lại, cách vị trí cũ khoảng 500m. Đến năm 1920, đền thờ lại đổ nát. Mãi đến thời Lamère làm tỉnh trưởng Bà Rịa, nhân dân trong tỉnh tự tổ chức quyên góp và tái thiết đền với quy mô lớn, cũng chính là ngôi mộ tại Đình làng Hắc Lăng hiện nay.
Mộ Châu Văn Tiếp có quy mô và sự bề thế đúng với vị trí bậc đệ nhất công thần triều Nguyễn của ông. Mộ được xây bằng gạch khang trang, chắc chắn trong khu vực có diện tích lên đến 153m2. Bên trong khu đình làng bao gồm nhiều công trình nhỏ: Bình phong, cổng mộ, văn bia, cổng tả, cổng hữu, mộ chính, bia hậu chẩm, mộ phu nhân của ông.
Trong khu vực Mộ Châu Văn Tiếp, người ta cũng lưu lại nhiều tư liệu về ông, để du khách có thể hiểu hơn về công lao lớn lao của vị Quận Công này dưới Triều Đình nhà Nguyễn. Châu Văn Tiếp vốn là một tay buôn ngựa có số má, quê tại Phú Yên.
Khi nhà Nguyễn phát động phong trào khởi nghĩa nông dân vào năm 1771, ông cùng những người anh em của mình đã thành lập đội dân quân với cả ngàn người, chiếm cứ núi Tà Lang (Phú Yên). Sau đó, ông nghe lời Tống Phước Hiệp, quy thuận theo chúa Nguyễn, tham gia nhiều trận chiến ác liệt chống lại quân Tây Sơn và rước chúa Nguyễn trở lại Sài Gòn. Năm 1784, trong trận chiến ở sông Mang Thít, ông đã hi sinh.
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long, truy phong cho Châu Văn Tiếp làm Tả quân đô đốc, tước Quận công. Hiện nay, Đình làng Hắc Lăng vẫn thờ chiếc ngai của Châu Văn Tiếp do vua Gia Long ban thưởng, có khắc bốn chữ thếp vàng: Lâm Thao Quận Công.
Mộ Châu Văn Tiếp hiện tại có không gian rộng rãi, được dọn dẹp và lát nền sạch sẽ để mọi người có thể đến tham quan. Từng chi tiết trong khu mộ đều được xây vô cùng tỉ mỉ, từ từng cột trụ, bảng chữ, cột hoa sen đều rõ ràng, sắc nét, rất nghệ thuật.
Hàng năm, tại đình làng Hắc Lăng, vào ngày 16 – 6 âm lịch, người ta tổ chức lễ giỗ cho hai vị tướng Nguyễn Diên và Châu Văn Tiếp. Những vị kỳ lão, chánh tế mang áo dài khăn đóng thành kính đọc lời tế và ôn lại tiểu sử của hai ông. Nhiều người dân cũng đến đền cầu bình an. Ban tế lễ cũng thường mời các đoàn hát bội về diễn cho người dân cùng thưởng thích.
Dù đã được xây dựng 100 năm, Mộ Ông Châu Văn Tiếp vẫn còn mới và nguyên vẹn, được tu sửa và chăm sóc kỹ lưỡng. Nếu bạn là một người yêu thích lịch sử dân tộc và những vị tướng giỏi, Mộ Châu Văn Tiếp cũng là một di tích lịch sử đáng ghé thăm để có thêm những hiểu biết thú vị.
Ảnh: Long Điền Hometown
Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.