CÓ MỘT LÀNG NGHỀ ĐÚC ĐỒNG LONG ĐIỀN “NỨC TIẾNG” MỘT THỜI TẠI BÀ RỊA VŨNG TÀU
Làng nghề đúc đồng Long Điền là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với những sản phẩm mang đầy tính nghệ thuật, được tạo bởi những nghệ nhân tài hoa và đầy tâm huyết. Trong thời kỳ vàng son nhất, nơi này cung cấp những sản phẩm đồng đúc đi khắp các tỉnh thành miền Nam. Nếu bạn muốn hiểu thêm về cái nghề làm nên danh tiếng của vùng đất trầm mặc này, hãy ghé đến làng nghề đúc đồng Long Điền để được nghe những câu chuyện và tận mắt quan sát sự ra đời của từng sản phẩm nhé.
Làng nghề đúc đồng Long Điền nằm trên trục đường 55, nối liền thành phố Vũng Tàu với TP.HCM, tỉnh Bình Thuận. Khu vực này khá dễ tìm bởi nó nằm ngay bên con đường vận chuyển hàng hải từ cửa biển Long Hải, Chợ Bến và Phước Tỉnh. Với vị trí thuận lợi này, làng đúc đồng Long Điền từng là nơi cung cấp những sản phẩm đồng đúc như chuông đồng, lư hương, đại hồng chung, chiêng, chân đèn, các vật dụng bằng đồng… đến khắp miền Tây Nam Bộ và miền Nam nói chung.
Được hình thành từ những năm 90 thế kỷ XVII, Làng nghề đúc đồng Long Điền đến nay đã hơn 300 tuổi. Nhiều nghệ nhân cho biết, gia đình họ đã làm nghề đúc đồng 3 – 4 đời, cha truyền con nối. Họ được tiếp xúc với đồng, với nghề đúc từ nhỏ, từng ngày nuôi dưỡng tình yêu với nghề cũng như rèn luyện tay nghề từ sớm với những người đi trước có kinh nghiệm. Qua nhiều thăng trầm, mặc cho sự khó khăn của thời đại, nhiều gia đình trong làng đúc đồng Long Điền vẫn quyết tâm phát triển nghề gia truyền đến ngày nay.
Đến với làng nghề đúc đồng Long Điền, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình làm ra một sản phẩm đồng đúc có biết bao công phu. Để có được một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn, từ chọn nguyên liệu đồng, tạo lò đốt nguyên liệu, nấu nồi đồng, tạo khuôn đúc, đun nóng chảy đồng, đổ đồng vào khuôn đúc, đánh bóng và hoàn chỉnh sản phẩm.
Mỗi bước thực hiện, người đều phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận để những sản phẩm đồng ra đời đảm bảo mịn, đẹp, hoàn hảo nhất. Chính vì vậy, có khi người ta mất đến hơn cả tháng trời để làm những chiếc chuông lớn, đại hồng chung… với những hoa văn tinh xảo, uốn lượn mềm mại.
Khó nhất, mất thời gian nhất cũng là giai đoạn quyết định tính thẩm mỹ sản phẩm đồng đúc là tạo khuôn. Người thợ phải tạo ra hai khuôn cho một sản phẩm: khuôn trong và khuôn ngoài, để hai mặt trong và ngoài của sản phẩm được tạo hình đồng nhất.
Sau đó, với đôi tay khéo léo của mình, những người thợ bắt đầu tạo hoa văn trên sản phẩm (thường là lư hương, chuông, đại hồng chung…). Họ cặm cụi chạm khắc những hoa văn trang trí truyền thống lên bề mặt khuôn, thường là hoa cúc, mặt trời, dây hoa cách điệu, sóng nước, hoa sen… Mỗi họa tiết hoàn hảo cần nhiều thời gian và sự chỉnh chu, tập trung tuyệt đối của người thợ. Thế mới thấy, những nghệ nhân đúc đồng yêu nghề của họ như thế nào.
Ngày nay, cùng sự phát triển của công nghệ và thời đại, làng nghề đúc đồng Long Điền cũng có những sự thay đổi về quy trình, dụng cụ sản xuất để cải thiện tiến độ công việc và tiết kiệm công sức. Thay vì nấu than củi, nhiều bên đã chuyển sang nấu đồng bằng điện. Thay vì khiêng khuôn cực nhọc, nhiều nhà dùng máy quay, máy ròng rọc để tiện di chuyển khuôn,
Đặc biệt, người dân làng nghề đúc đồng Long Điền rất hiền hòa và sẽ giải đáp cho bạn những câu hỏi khi đến tham quan nơi đây.
Ngày nay, làng nghề đúc đồng Long Điền tuy không còn sản xuất quá nhiều mặt hàng, chỉ tập trung chủ yếu vào các loại chuông lớn, đại hồng chung, đồ thờ cúng… để phục vụ các chùa. Các hộ làm nghề cũng ít lại. Tuy nhiên, có những người, người gia đình nặng lòng với nghề đúc đồng vẫn cố gắng mỗi ngày để làng nghề tiếp tục trụ vững trong tương lai.
Nếu bạn muốn khám phá những làng nghề thủ công thú vị tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đừng bỏ qua làng nghề đúc đồng Long Điền trên chuyến đi của mình nhé.
Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.