MIẾU BÀ NGŨ BANG – THIÊN HẬU CUNG
Miếu Bà Ngũ Bang – Thiên Hậu Cung hay còn được gọi là Miếu Bà được xây dựng năm 1968, 234 đường Bình Giã, phường 8, thành phố Vũng Tàu. Miếu do cộng đồng người Hoa ở 5 bang của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc): Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ, Quảng Châu đóng góp tiền của xây dựng nên.
Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi giàu tiềm năng về du lịch, trong đó các di tích lịch sử văn hóa có vị trí đặc biệt quan trọng bên cạnh các di tích truyền thống của người Việt như đình, đền, chùa, miếu… còn có một số loại hình di tích điển hình của người Hoa, tạo nên sự phong phú về văn hóa tín ngưỡng cho vùng đất phương Nam.
Nhu cầu về văn hóa tinh thần gắn với mỗi con người, cộng đồng dân tộc, các bậc tiền nhân đi khai phá những vùng đất mới trước hết là để mang lại các lợi ích về kinh tế. Sau khi những điều kiện về vật chất được thỏa mãn thì nhu cầu về tinh thần là không thể thiếu được.
Là một dân tộc cần cù, chịu khó làm ăn, người Hoa đã di cư khắp nơi trên thế giới. Với biệt tài làm kinh tế, họ đã vượt qua những khó khăn ban đầu và tạo dựng được cơ nghiệp. Do đặc điểm nghề nghiệp gắn với việc buôn bán nên người Hoa thường chọn những nơi đô thị, giao thông thuận lợi phát triển thương mại và sinh sống.
Những di tích văn hóa của người Hoa tập trung chủ yếu ở thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, nơi có nền kinh tế hàng hóa phát triển.
Sau khi ổn định họ xây dựng chùa, miếu hay hội quán với quy mô vừa, nhỏ, nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng Hoa kiều. Một số di tích lớn kết hợp mục đích phục vụ khách du lịch đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… Do sự giao lưu và hội nhập giữa các nền văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa cũng có những đặc trưng giống tín ngưỡng của người Việt. Các di tích được dựng nên để thờ các vị công thần, thần bảo hộ cuộc sống, vừa là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.
Miếu Bà Ngũ Bang – Thiên Hậu Cung hay còn được gọi là Miếu Bà được xây dựng năm 1968, 234 đường Bình Giã, phường 8, thành phố Vũng Tàu. Tọa lạc trên một khuôn viên rộng 8000m2, miếu có các công trình chính: cổng, chính điện, nhà báo bổn đường, điện thuận dương hoan… Cổng miếu được xây dựng bằng bê tông, cốt thép với những trụ cổng to, trên làm mái ngói ống. Chính điện nằm trên khu đất cao, rộng rãi, phía trước trông ra hồ sen có đắp tượng tám vị Bát tiên sinh động, phù hợp với thuật phong thủy của người Trung Hoa. Với kiến trúc hiện đại, khá nặng nề, khu giếng trời ở giữa lòng nhà đã tạo nhiều không khí, ánh sáng và độ thoáng cho công trình. Đỡ mái là bộ khung nhà được làm bằng xi măng, cốt thép với hệ thống cột có số lượng nhiều và kích thước rất lớn, kê chân trên tảng đá hình tròn. Toàn bộ hệ thống cột được đắp nổi hình rồng cách điệu rất sinh động. Vị trí trang trọng nhất chính điện thờ bà Thiên Hậu. Ngoài ra, còn có bàn thờ Thần Tài, Kim Hoa, Long Môn, Quan Thánh.
Sự hiện diện của các di tích do người Hoa xây dựng đã khẳng định sự tồn tại và vai trò đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa trong lịch sử phát triển của địa phương. Các di tích này ngoài giá trị làm phong phú thêm hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh nếu khai thác tốt, những di tích này sẽ là điểm tham quan hấp dẫn.
Nguồn Bảo Tàng BRVT
Hình ảnh tổng hợp từ Amazing Vũng Tàu và internet