MIẾU BÀ PHI YẾN CÔN ĐẢO – KHU DI TÍCH GẮN LIỀN VỚI NHỮNG CÂU TRUYỆN TRUYỀN THUYẾT LY KỲ
Nhắc tới Côn Đảo, người ta không chỉ nghĩ tới những bãi biển xanh cát trắng trải dài, mà còn ấn tượng bởi những dấu ấn lịch sử vang vọng ngàn đời. Ghé thăm vùng đất Côn Đảo linh thiêng này, du khách không thể bỏ lỡ điểm đến “Miếu Bà Phi Yến”. Nơi đây thờ cúng một trong hai người phụ nữ nổi tiếng ở Côn Đảo, được người dân vùng biển đảo tôn sùng. Ngôi miếu linh thiêng này đã bảo vệ và ban phước lành cho cư dân nơi đây. Hãy tới thăm miếu ít nhất một lần trong đời để cảm nhận sâu sắc những nét đẹp văn hoá tín ngưỡng của dân tộc ta!
Truyền thuyết dân gian về bà Phi Yến
Theo truyền thuyết địa phương kể lại rằng, Bà Phi Yến là thứ phi của vua Nguyễn Ánh. Năm 1783, vua Nguyễn Ánh bôn đào ra Côn Đảo (trước đây gọi là Côn Lôn) để tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn lúc bấy giờ. Tuy nhiên, do thất bại liên tục nên ông có dự định đưa hoàng tử Cải sang Pháp để cầu viện. Khi đó, bà thứ phi Phi Yến đã ngỏ ý rằng: “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau…”.
Chỉ với những lời đó, Nguyễn Ánh cho rằng bà cấu kết với quân Tây Sơn nên đã nổi trận lôi đình. Nhờ có các quan cận thần hết lời can xin, bà được giảm án và thoát khỏi tội chém đầu. Sau đó, ông cho người giam cầm bà trên một hòn đảo hoang vắng phía Tây Nam Côn Đảo (ngày nay người dân gọi đó là Hòn Bà).
Trên đường chạy trốn đoàn quân Tây Sơn, hoàng tử Cải khi ấy mới 5 tuổi khóc lóc đòi mẹ nên đã bị ông ném xuống biển. Xác hoàng tử trôi dại vào bờ biển Cỏ Ống. Bà Phi Yến may mắn được 2 linh vật Vượn Bạch và Hắc Hổ giải cứu và đưa về thăm mộ con trai. Người dân đã dựng lên một căn nhà nhỏ ngay gần mộ hoàng tử để bà tiện tới thăm con. Đến ngày nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu hát đầy bi thương:
“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”
Rằm tháng 10 năm 1785, dân làng An Hải tỏ lành thành kính mời bà từ làng Cỏ Ống về dự lễ đàn chay. Đêm hôm đó, trước nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần của bà, tên đồ tể Biện Thi đã lẻn vào phòng toan làm việc đồi bại. Thế nhưng hắn vừa chạm vào tay bà đã bị người dân phát hiện và bắt giữ. Để giữ gìn vẹn toàn danh tiết với chồng con, bà đã chặt đứt cánh tay đó và tự sát. Người dân vô cùng thương tiếc và lập miếu thờ người phụ nữ tài sắc, đức hạnh và giàu lòng yêu nước. Ngày nay ở Côn Đảo, miếu được đặt tên là An Sơn Miếu hay còn gọi là Miếu Bà Phi Yến.
Không gian An Sơn Miếu
An Sơn miếu tọa lạc tại huyện Côn Đảo, cách trung tâm thành phố khoảng 2km về phía Tây Nam. Bước vào khuôn viên của miếu, bạn sẽ choáng ngợp bởi những hàng cây cổ thụ xanh mát lên tới hàng trăm tuổi. Với diện tích rộng khoảng 4200m vuông, không gian rất rộng rãi, thoáng đãng và yên bình. Ngôi miếu được người dân nơi đây xây dựng vào năm 1785, đến nay đã trải qua nhiều lần tu sửa.
Sân trước được lát gạch khang trang, sạch sẽ. Phía trước sân miếu có đặt bàn thờ thiên là nơi để du khách ghé thăm châm hương, cầu sức khỏe và bình an. Xung quanh khuôn viên có rất nhiều những ghế ngồi ngay dưới bóng cây mát mẻ để bạn có thể dừng lại nghỉ chân.
Ngôi miếu được thiết kế gồm 3 mái, với 3 cửa ra vào. Ngay trước cửa miếu là biển hiệu bằng chữ Nôm mang ý nghĩa là An Sơn Miếu. Bên trong miếu đặt tượng thờ Bà Phi Yến và một số vị thần khác.
Lễ hội Miếu Bà Phi Yến hàng năm tại Côn Đảo
Vào ngày 18/10 âm lịch hàng năm, người dân nơi đây có phong tục tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Bà Phi Yến, một người phụ nữ đức hạnh “Trung trinh tiết liệt”.
Nếu có dịp tới Côn Đảo vào tháng 10 âm lịch hàng năm, du khách đừng nên bỏ lỡ cơ hội tham gia lễ hội Bà Phi Yến và chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa dân gian tại vùng đất này nhé!
Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.