MÙA LÁ BÀNG ĐỎ CÔN ĐẢO
Có đến đây mới biết bàng ở Côn Đảo hiện diện ở khắp nơi như thể loài cây này cũng là một sinh thể sống, một loại “cư dân” của đảo này. Bàng trong sân trường học, bàng trước cổng và lẫn vào trong vườn nhà, bàng bên vệ đường, bàng ở mọi ngóc ngách đường phố, bàng ven biển, bàng trên sườn núi,… cứ đến cuối năm là bàng lại thay áo, người dân hay gọi “Mùa Lá Bàng Đỏ Côn Đảo”.
Nhiều cây bàng cổ thụ được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” có tuổi đời hơn 100 năm (từ 130 đến 150 năm), tính từ năm thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù (1862). Những cây này thường cao trung bình 15 mét, gốc cây 2 hoặc 3 người ôm. Những cây bàng di sản tập trung trong khuôn viên các nhà tù (trại Phú Hải, Phú Sơn) có 15 cây, trong di tích nhà Chúa Đảo có 8 cây.
Ở Côn Đảo, có những con đường chỉ duy nhất có sự hiện diện của cây bàng cổ thụ mà nhiều người quen gọi là “con đường bàng”. Đó là đường Lê Duẩn với 11 cây bàng di sản. Rồi đường Tôn Đức Thắng – con đường ven biển đẹp nhất Côn Đảo chạy qua cầu tàu 914 (nơi 914 tù nhân chính trị đã hy sinh khi xây dựng cầu này) cũng có đến 19 “cụ” bàng di sản, mọc thành hàng thẳng tắp, đứng ngạo nghễ giữa đất trời.
Nếu trong đất liền, cây bàng thường đứng riêng lẻ thì bàng ở Côn Đảo lại tập trung thành từng hàng, từng cụm lớn.
Nếu trong đất liền, cây bàng lá mỏng, thân cây tròn trịa, dáng cây nghiêng ngả thì bàng Côn Đảo độc đáo và đặc hữu: lá bàng cứng dày và xanh biếc, dáng thẳng tắp sừng sững vươn lên trời, vỏ cây sần sùi, nứt nẻ, thân cây nổi nhiều u bướu như xà cừ cổ thụ, có những cái bướu to ngang phần thân cây còn lại và có hình thù kì lạ. Những u bướu đó là “đề tài” cho những câu chuyện của những du khách đến đây…
Rất nhiều cách lý giải khác nhau, chỉ biết một điều chắc chắn là những cái u bướu đó thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách đến nơi đây.
Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo cao lớn, hùng vĩ, trầm mặc, cổ lão, gốc xoải rộng đến 5 – 7 mét cũng gây ấn tượng với du khách. Có phải khí hậu nơi đây thích hợp với loại cây ưa sáng này khi ánh sáng trên đảo tràn trề để chúng tồn tại với thời gian, hay những cây bàng ấy buộc phải vĩnh cửu để nói với hậu thế về những gì mà mình đã chứng kiến suốt hơn 150 năm, kể từ khi thực dân Pháp đặt viên gạch đầu tiên để hình thành nên “địa ngục trần gian”?
Cám ơn bài viết rất hay của chị Nga Côn Đảo – Group Côn Đảo Du Lịch Tâm Linh Review Côn Đảo