NHỮNG VỊ THẦN ĐƯỢC TÔN THỜ TẠI ĐÌNH THẦN HẮC LĂNG

18/08/2023
#Long Điền
NHỮNG VỊ THẦN ĐƯỢC TÔN THỜ TẠI ĐÌNH THẦN HẮC LĂNG

Đình thần Hắc Lăng là một điểm du lịch văn hóa thú vị dành cho những ai yêu lịch sử, bởi nơi đây thờ phụng những vị công thần có đóng góp lớn trong lịch sử đấu tranh của mảnh đất Bà Rịa Vũng Tàu. Cùng khám phá xem Đình thần Hắc Lăng hiện đang thờ những vị thần nào nhé.

Đình thần Hắc Lăng nằm ở ấp Phước Lăng, Xã Tam Phước, huyện Long Điền, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2011. Đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, dấu ấn xưa. Nhờ được quan tâm, tu sửa thường xuyên, Đình thần Hắc Lăng dù đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn giữ nguyên trạng hình dáng, kiến trúc ban đầu.

Đình thần Hắc Lăng là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quận công Châu Văn Tiếp và Quận công Nguyễn Diên.

Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh ngự trị ở mỗi địa phương, là Đại diện cho Thượng Đế, phù hộ, bảo vệ cuộc sống của người dân cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Đối với người dân, Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh có thể chứng kiến, bao quát toàn bộ cuộc sống của dân làng. Tục thờ Thần Thành Hoàng được xem như thờ luật lệ làng xã, lế lối gia phong của làng, giữ cho cuộc sống luôn bình yên, đoàn kết. Ngày thờ Thần Thành Hoàng được xem như ngày hội của làng, thường có rất nhiều hoạt động diễn ra để gắn kết mọi người lại với nhau hơn.

Quận công Châu Văn Tiếp tuy sinh ra ở Phú Yên nhưng đã “nhập tịch” ấp Hắc Lăng dưới thời quyền Lưu Thủ Tống Phước Hiệp (Dinh Long Hồ) sau được chúa Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng. Ông đã tham gia nhiều trận chiến ác liệt chống lại quân Tây Sơn và rước được chúa Nguyễn về Sài Gòn. Năm 1784, ông Châu Văn Tiếp đã hi sinh trong trận chiến trên sông Mang Thít. Năm 1794, chúa Nguyễn cho lập đền thờ ông tại Mang Thít. Đến đời Gia Long, thi hài ông được cải táng đưa về Hắc Lăng. Ông được truy phong tước Quận công vào năm 1802, dưới thời vua Gia Long.

Mộ Châu Văn Tiếp nằm trong khuôn viên của Đình thần Hắc Lang được xây dựng khang trang, bề thế, xứng với vị thế của một bậc đệ nhất phong thần nhà Nguyễn. Diện tích khu mộ đến 153m2 và gồm nhiều công trình nhỏ: Bình phong, cổng mộ, văn bia, cổng tả, cổng hữu, mộ chính, bia hậu chẩm, mộ phu nhân của ông.

Ngoài ra, Đình thần Hắc Lăng còn thờ Quận Công Nguyễn Diên, một danh tướng đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Ông từng tham gia trận chiến đánh bại quân Nặc ông Đài, dành lại những nơi đã bị chiếm đóng tại Gia Định vào năm 1674. Sau trận chiến quan trọng này, Nguyễn Diên trở nên lao lực, sức khỏe yếu dần rồi mất. Ông được người dân lập đền thờ tại Bà Rịa.

Hàng năm, vào ngày 16 – 6 âm lịch, Đình thần Hắc Lăng sẽ tổ chức lễ giỗ cho hai vị tướng Châu Văn Tiếp và Nguyễn Diên. Người dân có dịp ôn lại tiểu sử của hai vị công thần này trong lịch sử đấu tranh của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cũng như cầu bình an đến với mọi người.

Đình thần Hắc Lăng còn thờ danh nhân Nguyễn Hữu Dực, theo phong trào đưa danh nhân vào đền thờ năm 1972. Nguyễn Văn Dực từng theo chúa Nguyễn ánh chạy qua Vọng Các, làm quan đến Tổng Nhung Cai Cơ Tiền Quân. Năm Canh Tuất (1802) ông theo Lê Văn Quân đánh Bình Thuận bị bệnh mất tại quân thế. Sau đó, ông được truy tặng Chưởng Cơ và được phong Trung Đẳng Thần theo phong trào Phong thần các công thần triều Nguyễn năm 1937.

Đình thần Hắc Lang hiện nay là một địa điểm du lịch văn hóa lịch sử được nhiều người ghé thăm. Nơi đây người ta có dịp tìm hiểu về những vị công thần trong lịch sử của vùng đất Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung. Nếu bạn có dịp đến Bà Rịa Vũng Tàu, thích tìm hiểu về những danh nhân nổi tiếng, hãy ghé Đình Thần Hắc Lăng nhé!

Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.

Liên hệ chúng tôi






    Tin tức liên quan

    DMCA.com Protection Status