REVIEW CÔN ĐẢO – NƠI TRỜI BIỂN GIAO HOÀ, LÒNG NGƯỜI RỘNG MỞ
Từng được biết đến như “địa ngục trần gian” trong quá khứ, Côn Đảo hôm nay đã vươn mình trở thành vùng đất xinh đẹp, yên bình được các tạp chí về du lịch tiếng tăm dành tặng nhiều mỹ từ như “Top 10 hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh” hay “Một trong những hòn đảo bí ẩn nhất hành tinh”. Nào, cùng thưởng ngoạn với review Côn Đảo.
1. Review Côn Đảo – Địa điểm tham quan
Vùng đất nào cũng có những địa điểm đặc trưng, kiểu chưa đến đó thì coi như mới ở tầm “cưỡi ngựa xem hoa” thôi chứ chưa biết nhiều về địa phương. Côn Đảo cũng vậy, bên cạnh những bãi biển tuyệt mỹ, các cung đường nên thơ, hòn đảo này còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, địa điểm tâm linh phải đến, cùng tìm hiểu với review Côn Đảo nhé.
- Nghĩa trang Hàng Dương
Nghĩa trang rộng chừng 20ha này là chứng tích cho một thời đau thương mà anh dũng của dân tộc cũng là nơi kết nối quá khứ với hiện tại, giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Hơn 2000 ngôi mộ nằm tại đây hầu hết là khuyết danh, chỉ có khoảng 30% là có tên tuổi năm sinh của các liệt sĩ, trong đó có mộ của anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng Cao Văn Ngọc, anh hùng Lưu Chí Hiếu, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh…
Tới đây, bạn sẽ cảm nhận được ngay sự linh thiêng bởi những hy sinh, mất mát quá lớn của các anh hùng liệt sĩ, bởi lòng biết ơn của những người hôm nay thể hiện qua làn khói hương nghi ngút, những bước chân khẽ khàng… Nếu có dịp đến Côn Đảo, bạn nhớ chuẩn bị đồ lễ đến viếng những người con đất Việt đang yên nghỉ ở nghĩa trang Hàng Dương để nghe tiếng vọng từ quá khứ và cảm nhận đời sống tâm linh của người dân trên đảo.
- Miếu Bà Phi Yến
Miếu bà Phi Yến (còn gọi là An Sơn Miếu) cũng là nơi cần phải viếng thăm dù bạn du lịch Côn Đảo vì mục đích nghỉ dưỡng hay vui chơi. Bà Phi Yến (tên tục là Lê Thị Răm) là một cung phi của chúa Nguyễn Ánh vừa có dung mạo xinh đẹp hơn người, vừa trung trinh, ái quốc. Dù cuộc đời nhiều thăng trầm, bà vẫn một lòng với nước, với dân. Số phận an bài cho bà thứ phi Phi Yến yên nghỉ tại làng An Hải, dân làng lo việc tống táng và lập miếu thờ bà – người có công lập làng, giúp dân an cư lạc nghiệp. Hàng năm, cứ vào ngày 18/10 âm lịch, ngành văn hóa tổ chức lễ hội trang trọng ngay tại miếu, đồng thời người dân địa phương đều tổ chức lễ giỗ bà rất long trọng và thường làm cỗ chay để tưởng nhớ về ký ức buồn “Vì một hội làm chay mà bà phải bỏ mình”. Tham gia lễ giỗ bà Phi Yến cũng chính là thưởng thức một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Côn Đảo.
- Miếu Hoàng tử Cải
Hoàng tử Cải là con của bà Phi Yến, bị chính cha ruột của mình là chúa Nguyễn Ánh ném xuống biển khi mới 5 tuổi vì dám cầu xin cho mẹ. Miếu cậu Hoàng Tử Cải hay Thiếu Gia Miếu gắn liền với câu chuyện truyền thuyết bí ẩn, với tình mẫu tử bao la của thứ phi Phi Yến và sự ra đi đầy bi thương của một người con hiếu thảo. Miếu cách khu vực trung tâm thị trấn Côn Sơn khoảng 4km về phía Bắc, gần bãi Đầm Trầu, cách sân bay Cỏ Ống khoảng 800m. Vì thế ngay khi xuống máy bay, trên đường trở về trung tâm huyện đảo, bạn có thể ghé đến ngôi miếu này dâng hương lên hoàng Tử Cải cầu sức khỏe, bình an và thành công trong công việc, cuộc sống. Còn nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về văn hóa địa phương thì hãy đến đây vào ngày 22/10 âm lịch – ngày giỗ hoàng tử Cải – để cùng người dân chuẩn bị lễ hội, cùng dọn dẹp khuôn viên, nấu lễ và ăn uống, giao lưu.
- Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự)
Chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Sơn Tự – ngôi chùa duy nhất ở Côn Đảo – tọa lạc giữa lưng chừng núi Một, cách trung tâm thị trấn Côn Sơn khoảng 1,6km. Chùa được xây dựng năm 1964, nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sĩ sinh sống trên đảo. Chùa nổi bật nhất vẫn là tượng Quan Âm Bồ Tát cao 2m đứng trên đài sen, tay cầm bình nước cam lộ trước khuôn viên và kiến trúc điêu khắc được chạm trổ tinh tế, những cột gỗ to lớn, bề thế một người ôm không xuể.
Bên cạnh đó, Vân Sơn Tự còn có vị trí đắc địa khi tựa lưng vào núi Một, các mặt xung quanh chùa có tầm nhìn ngắm biển, ngắm toàn cảnh thị trấn tuyệt đẹp. Hướng Nam bạn sẽ được ngắm nhìn núi rừng xanh bạt ngàn, hướng Đông là vịnh Côn Sơn, còn hướng Bắc là cánh đồng sen An Hải mênh mông. Vì thế, Vân Sơn Tự không chỉ là điểm du lịch tâm linh “must go to” mà còn là tọa độ tham quan, ngắm cảnh cực kỳ chất lượng tại Côn Đảo.
- Bảo tàng Côn Đảo
Nằm đối diện với Bến tàu 914, gần tượng đài Chuồng Cọp của Pháp, Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu giữ “quá khứ” hào hùng của không chỉ hòn đảo nhỏ này mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho cả dân tộc Việt Nam. Không gian trưng bày của bảo tàng được thiết kế khá đơn giản nhưng vô cùng ấn tượng, bao gồm 1 gian khánh tiết và 4 chủ đề chính: Côn Đảo thiên nhiên con người; Côn Đảo địa ngục trần gian; Côn Đảo trận tuyến, trường học; Côn Đảo ngày nay. Ngoài ra, bảo tàng còn có một phòng trưng bày, triển lãm chuyên đề. Với 2.000 tư liệu, hiện vật được bày trí hiện đại, khoa học, tham quan bảo tàng sẽ giúp bạn khám phá thêm nhiều điều về lịch sử, văn hóa của Côn Đảo, hiểu được vì sao vùng đất này lại chuyển mình nhanh đến vậy và yêu sự thanh bình đến vậy.
- Nhà tù Côn Đảo
Muốn biết tại sao huyện đảo hiền hòa, xinh đẹp của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từng được gọi là “địa ngục trần gian”, hãy đến tham quan nhà tù Côn Đảo. Đây là hệ thống nhà tù lớn nhất Việt Nam được chính quyền thực dân Pháp tới chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho xây dựng với 7 trại giam, 2 khu biệt lập và 127 phòng giam, 44 xà lim cùng 504 phòng giam biệt lập. Chỉ cần bước vào đây, nhìn khu “chuồng cọp”, khu “chuồng bò”, hầm xay lúa đến những dụng cụ tra tấn dã man còn lưu giữ, bạn sẽ cảm nhận được sâu sắc nỗi thống khổ mà những người yêu nước, những chiến sĩ cách mạng… phải chịu.
“Địa ngục trần gian” thời cao điểm hầu như không có ngày nào không có những người tù ngã xuống do điều kiện ăn ở thiếu thốn, những hình thức tra tấn đàn áp dã man của quản ngục rồi những hành động giam cầm hành hạ. Trong 113 năm tồn tại của hệ thống nhà tù Côn Đảo (tính tới năm 1975 – ngày đất nước thống nhất), trên 20.000 người đã vĩnh viễn nằm lại trên hòn đảo này. Nhà tù Côn Đảo hiện là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt, là chứng tích lịch sử để thế hệ sau hiểu rõ về ý chí quật cường, kiên trung của cha ông trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
- Nhà Chúa Đảo
Nhà Chúa Đảo còn có tên gọi khác là Dinh Chúa Đảo, Dinh Ông Lớn hay Dinh Tỉnh Trưởng được biết đến là cơ quan đầu não của toàn bộ hệ thống nhà tù Côn Đảo, đồng thời cũng là nơi xuất phát của các mệnh lệnh, thủ đoạn, âm mưu với mục đích đày ải và tiêu diệt tù nhân. Nhà Chúa Đảo là hiện thân cho hai đời sống đối lập nhau: lối sống đế vương của chúa Đảo và sự cùng cực của những tù nhân cách mạng. Nhà Chúa Đảo được hình thành cùng với cơ sở hạ tầng của đảo vào khoảng năm 1862-1876 với tổng diện tích gần 17.000m2. Trong 113 năm tồn tại (1862 – 1975), 53 thế hệ chúa đảo đã sinh sống và làm việc tại đây.
Địa điểm này ngày nay là một di tích lịch sử có giá trị tố cáo sự tàn bạo, độc ác của thực dân, đế quốc và là thư viện lớn về Côn Đảo với rất nhiều hình ảnh, tư liệu vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
- Cầu tàu 914
Thêm một di tích nữa minh chứng cho sự tàn bạo của quân xâm lược tại “địa ngục trần gian” – Cầu tàu 914. Cầu tàu được đặt tên theo số người thiệt mạng trong quá trình xây dựng, ước tính có 914 tù nhân ngã xuống do lao động và bị tai nạn nhưng trên thực tế con số này có thể lên tới hàng nghìn. Công trình mang đau thương của lịch sử được xây dựng từ cuối thế kỷ 18. Bản phác thảo dài 107m, bắt đầu từ mép đường trước cổng Dinh Chúa Đảo và kéo thẳng ra giữa vịnh Côn Sơn. Sau hàng chục năm sửa chữa và cơi nới, hiện tại Cầu Tàu 914 rộng 5m, vươn dài ra vịnh Côn Sơn chừng 300m, đoạn cuối bến rộng 8m.
Cầu tàu 914 đã trở thành biểu tượng của một lịch sử hào hùng và đau thương, đồng thời cũng là nơi chứng kiến mọi khoảnh khắc huy hoàng như Cách mạng Tháng Tám thành công hay ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Đừng bỏ qua chiếc cầu tàu “Đá bao nhiêu khối máu đào bấy nhiêu” này khi có dịp du lịch Côn Đảo bạn nhé.
- Bãi Đầm Trầu
Tham quan di tích lịch sử, viếng địa điểm tâm linh rồi giờ hãy cùng review Côn Đảo relax tại bãi Đầm Trầu – nơi được Tạp chí Travel & Leisure tôn vinh là một trong 25 bãi biển đẹp nhất thế giới. Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ và êm ả của bờ cát trắng trải dài, những cánh rừng nguyên sinh đầy bí ẩn, những vách đá chênh vênh đâm sâu ra biển giúp bãi Đầm Trầu mang một vẻ đẹp rất toàn diện và màu sắc riêng biệt, khác hoàn toàn với những bãi biển Côn Đảo khác.
Đến với bãi Đầm Trầu, bạn sẽ được đắm mình trong làn nước biển trong vắt, men theo những con đường nhỏ vào khám phá rừng ngập mặn, lặn ngắm san hô và hệ sinh thái phong phú dưới đáy đại dương hoặc trải nghiệm cảm giác máy bay sát rạt trên đầu… Mỗi thời điểm, nơi đây lại mang trên mình một vẻ đẹp riêng, vì thế bạn hoàn toàn có thể tìm được điều thú vị mới mẻ dù đến nhiều lần.
- Mũi Cá Mập
Nếu bạn muốn có những bức ảnh đầu ngày và cuối ngày chất như phim, hãy đến mũi Cá Mập – điểm duy nhất có tầm nhìn đón bình minh và hoàng hôn rộng và đẹp nhất ở Côn Đảo. Chỉ cần chọn outfit phù hợp và liên tục thay đổi tư thế, bạn đã có ngay một bộ sưu tập khiến người khác phải ganh tỵ. Một điểm đặc biệt nữa của mũi Cá Mập chính là sự quy tụ và hài hòa đến mức gần như tuyệt đối của thiên nhiên và phong cảnh, một bên là vách đá dựng đứng khô cằn lạnh lùng, một bên là biển cả mênh mông bao la.
Núi và biển ở mũi Cá Mập gắn liền với nhau bằng đường bờ biển với hàng chục những đường cong mềm mại, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những cảm giác thú vị và khơi gợi nhiều cảm hứng nghệ thuật. Đây cũng là nơi tắm biển cực kỳ lý tưởng với bãi cát trải dài mịn màng và làn nước xanh trong.
2. Review Côn Đảo – Con người
Đã từng trải qua hoặc chứng kiến những đau thương tột cùng, những mất mát không thể đong đếm được nên người dân Côn Đảo hiểu sâu sắc giá trị của độc lập – tự do, yêu đến cháy lòng cuộc sống thanh bình và chính điều này làm nên cốt cách của con người nơi đây: lành như đất và dung dị, thân thiện. Họ sẵn sàng chỉ đường cho bạn đến điểm tham quan, ăn uống phù hợp; giải thích trong sự hiểu biết của mình về những di tích, tập quán, nét văn hóa địa phương. Họ cũng sẵn lòng giúp đỡ khi bạn gặp sự cố.
Ở huyện đảo này, bạn hoàn toàn tự tin dựng xe ở một nơi nào đó ven đường rồi đi loanh quanh thăm thú mà không cần lo lắng, thậm chí quên rút chìa khóa xe cũng chẳng sao. Bởi lòng người dân đảo rộng lắm, bao la lắm, tài sản lớn nhất của họ chính là sự bình yên và danh tiếng của vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên nên chung tay xây dựng và bảo vệ.
3. Review Côn Đảo – Đường đi
Nếu đã thích mê vẻ đẹp cảnh quan và con người Côn Đảo thì lên đường ngay chớ ngại ngần chi. Có 2 cách để đến được với huyện đảo này của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:
- Đường hàng không: Hiện 2 hãng hàng không là Vietnam Airline và Bamboo Airway khai thác chuyến bay ra Côn Đảo với nhiều chặng bay: Thành phố Hồ Chí Minh – Côn Đảo, Hà Nội – Côn Đảo, Cần Thơ – Côn Đảo, Hải Phòng – Côn Đảo, Vinh – Côn Đảo, Nha Trang – Côn Đảo, Phú Quốc – Côn Đảo, Đà Lạt – Côn Đảo, Pleiku – Côn Đảo, Buôn Ma Thuột – Côn Đảo và mức giá khác nhau tùy hãng, tùy thời điểm. Bạn chỉ cần lựa chọn chuyến bay phù hợp với lịch trình và túi tiền của mình.
- Đường thủy: Tùy thuộc vào sự thuận lợi về địa lý, các bạn có thể xuất phát từ Cảng Trần Đề – Sóc Trăng, cảng Cầu Đá – Vũng Tàu hoặc cảng Cần Thơ, sẽ mất khoảng 3-4 tiếng di chuyển.
Đến Côn Đảo rồi, bạn nên thuê xe máy vi vu cho tiện nha vì đảo nhỏ và các địa điểm rất gần nhau. Nhóm đông người có thể thuê taxi, xe điện. Giá thuê xe máy dao động từ 120k – 150k/ngày; giá xe điện là 25k/km.
4. Review Côn Đảo – Chỗ ở
Phục vụ cho phát triển du lịch nên Côn Đảo không hiếm nơi lưu trú với nhiều phân khúc khác nhau, từ khách sạn hạng sang với tiện nghi và dịch vụ thuộc hàng luxury như: Six Senses Côn Đảo, The Mystery Côn Đảo, The Secret Con Dao, Orson Hotel & Resort Con Dao… đến những khách sạn tầm trung và homestay. Mức giá tùy thuộc vào vị trí, view, chất lượng dịch vụ nhưng mặt bằng chung là nhỉnh hơn ở đất liền chút xíu.
Khi đã setup thời gian và mục tiêu của chuyến đi rồi thì bạn chọn cho mình một nơi ở phù hợp trên các trang đặt phòng trực tuyến hay hỏi những người từng du lịch Côn Đảo hén. Cam đoan là chỉ khác giá tiền thôi chứ chỗ nào bạn cũng sẽ thấy cực kỳ thoải mái và hài lòng.
5. Nơi ăn uống
Đến đảo thì nhất định phải ăn hải sản. Hải sản ở Côn Đảo không hề rẻ hơn so với đất liền nhưng về độ tươi ngon thì khỏi phải bàn vì bốn bề là biển mà, đánh lên là ship ngay đến bàn ăn nên tôm, cá vẫn còn nhảy tanh tách.
Bạn cũng nên nếm thử bún riêu cua Bà Hai Khiêm và kem dừa Đất Côn Đảo – hai món được coi là đặc trưng của ẩm thực Côn Đảo, được nhiều người review dành cho những lời có cánh. Nếu muốn khám phá thêm, bạn ghé Chợ Côn Đảo sẽ có nhiều lựa chọn.
Ngoài ra có thể tham khảo các quán như: Cơm gà Mệ Dậu, Cơm tấm Cây Gòn, Hải sản Cây Bàng, Cà phê Côn Sơn view biển, Infiniti… Nhìn chung đồ ăn, đồ uống ở Côn Đảo giá nhỉnh hơn một xíu so với những nơi khác bởi đa phần nguyên vật liệu phải chở từ đất liền ra nhưng khá ngon.
6. Những điều cần lưu ý
– Trang phục lịch sự khi lui tới những địa điểm văn hóa, tâm linh
– Tránh phát ngôn những điều thiếu tôn trọng
– Côn Đảo xây dựng điểm đến không nhựa, mọi người hạn chế rác thải nhựa và lưu ý vứt rác đúng nơi quy định
– Cả đảo chỉ có vài ba cây xăng và trụ ATM nên nhớ đổ xăng đầy bình và chuẩn bị kha khá tiền mặt
– Nếu muốn tắm biển, bạn nên hỏi trước người dân địa phương để chọn bãi tắm an toàn và tốt nhất để bơi, tránh khu vực có sóng lớn hay các dòng nước ngầm
– Mang theo kem chống nắng vì ở đảo nắng khá gắt
– Chuẩn bị thật nhiều outfit xinh xẻo để sống ảo cháy máy
Được biết đến là một trong 10 hòn đảo bí ẩn nhất hành tinh, Côn Đảo trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ và muốn thoát ly mọi ồn ào của chốn thị thành. Hòn đảo này cũng là nơi thích hợp để tìm hiểu về lịch sử dân tộc bởi tiếng nói từ quá khứ vẫn âm vang, hình ảnh từ quá khứ vẫn sắc nét qua những di tích.
Hy vọng với những gì Ăn Chơi Vũng Tàu vừa chia sẻ, các bạn sẽ không lúng túng và bỡ ngỡ dù là lần đầu tiên đến vùng đất – nơi trời biển giao hòa, lòng người rộng mở này.
Bài viết từ team Ăn Chơi Vũng Tàu