“CÒI TẦM” NHÀ TRÒN NÉT ĐẸP VĂN HÓA VÀ ĐẬM CHẤT LỊCH SỬ CỦA THÀNH PHỐ BÀ RỊA
Có dịp về thăm Bà Rịa, qua cầu Long Hương bắc ngang dòng sông Dinh êm đềm uốn lượn chảy giữa lòng Bà Rịa, bạn sẽ thấy ngay Nhà Tròn – Di Tích Lịch Sử Cách Mạng nổi tiếng của Tp. Bà Rịa. Và điểm nhấn đặc biệt chính là tiếng còi tầm nhà tròn – một trong những nét đẹp văn hóa và đậm chất lịch sử của thành phố Bà Rịa. Hơn 45 năm qua, tiếng còi tầm đã gắn liền với người dân TP. Bà Rịa vào mỗi sáng, mỗi chiều và trở thành nét truyền thống đặc trưng giữa lòng đô thị trẻ.
NHÀ TRÒN BÀ RỊA
Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp tiến hành khai thác lập đồn điền cao su ở Bình Ba, xây dựng nhà thờ Bà Rịa năm 1890. Nhằm mục đích sử dụng cung cấp nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt người Pháp đã cho xây dựng Nhà Tròn với tháp nước cao 20m, với 8 trụ đứng, đường kính gần 8m, có 3 ống dẫn nước. Nằm ngay vị trí giữa trung tâm, là giao điểm của các trục đường Cách Mạng Tháng 8 và 27/4. Nhà Tròn đã từ lâu trở thành biểu tượng thân quen, gần gũi với nhân dân Bà Rịa, nơi đây thật sự trở thành di tích lịch sử nổi tiếng vì đã từng chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của Việt Nam nói riêng và Bà Rịa Vũng Tàu nói chung.
Nhà Tròn là công trình cao khoản 20m được đỡ bằng 8 trụ xi măng cốt sắt liên kết với nhau bằng xà ngang. Trong Nhà Tròn có hai ống dẫn từ bồn nước ở trên cao xuống. Dưới chân lầu là một nhà hình bát giác được dùng như văn phòng làm việc của ban quản lí Nhà Tròn. Bên dưới bồn nước của Nhà Tròn còn có một cặp loa báo động gồm 6 cái mà phát xít Nhật để lại trong cuộc đảo chính với Pháp năm 1945. Tại đây ngày 28/05/1945, cờ Cách mạng đã được treo trên đỉnh tháp, hàng vạn nhân dân trong tỉnh tổ chức mít tinh, khởi nghĩa giành chính quyền từ tay thực dân Pháp và tay sai. 01/05/1975, Thị ủy BR tổ chức mít tinh tại Nhà Tròn mừng chiến thắng đất nước hoàn toàn giải phóng. Nhà Tròn BR được Bộ Văn hóa – thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 05/06/1987.
TIẾNG “CÒI TẦM” NHÀ TRÒN BÀ RỊA VANG VỌNG, DA DIẾT NHƯ TIẾNG LÒNG TỪ QUÁ KHỨ ĐẾN HIỆN TẠI
Đã hàng chục năm nay, trong tâm khảm của người dân TP. Bà Rịa, tiếng còi tầm vang lên mỗi buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều báo hiệu giờ làm việc đã trở thành âm thanh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Những tiếng còi tầm đã tạo nên nét đặc trưng riêng của TP. Bà Rịa.
Mỗi ngày tiếng còi tầm vang lên 4 lần:
- Đầu giờ sáng lúc 6h45 đánh dấu một ngày làm việc mới bắt đầu trên khắp thành phố Bà Rịa.
- Buổi trưa vào lúc 11h30 báo hiệu đã qua một nửa thời gian làm việc và cũng là báo hiệu giờ nghỉ trưa đã đến.
- Đầu giờ chiều vào lúc 13h15 để thông báo hết thời gian nghỉ trưa và bắt đầu làm việc của buổi chiều
- Lúc 17h15 để thông báo một ngày làm việc vất vả mưu sinh đã qua đi và là lúc mọi người trở về sum họp bên gia đình.
Tiếng còi tầm nhà tròn quen thuộc dường như gắn bó chặt chẽ với mảnh đất Bà Rịa này. Mỗi khi nghe tiếng còi tầm là giúp cho người dân biết được mấy giờ mà không cần nhìn đồng hồ nữa.
Còi tầm có từ những năm 1940 và gắn liền với di tích lịch sử Nhà Tròn Bà Rịa tại khu vực vòng xoay Cách mạng Tháng Tám – đường 27/4. Do ảnh hưởng của chiến tranh, một thời gian dài còi tầm không được sử dụng. Đến năm 1976, còi tầm được UBND TX. Bà Rịa (nay là TP. Bà Rịa) khôi phục lại và sử dụng đến ngày nay. Những năm gần đây, UBND TP. Bà Rịa giao cho UBND phường Phước Hiệp quản lý còi tầm.
Chỉ cần đến giờ, từ trụ sở UBND phường Phước Hiệp – Bà Rịa kéo cầu dao điện, vậy là từ Nhà Tròn tiếng còi tầm lại vang xa, tỏa rộng khắp các phường: từ Phước Hiệp, Long Hương đến Phước Trung… Nếu tiếng còi cất lên nhằm lúc có những cơn gió tới thì âm thanh có thể lan đi rất xa. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên Đán, vào thời khắc giao thừa, 3 hồi còi liên tục được gióng lên báo hiệu một năm mới đến, đồng thời nhằm tạo không khí vui tươi, phấn chấn cho người dân đón giao thừa, chào mừng năm mới.
Và điều đặc biệt, không kể buổi sáng sớm hay chiều tà, mỗi lúc tiếng còi vang lên, ở khu vực Nhà Tròn, những con chim én về đây làm tổ lại đua nhau bay ra như một đàn chim vỡ tổ, tạo thêm nét đẹp, sự lãng mạn và thanh bình cho TP. Bà Rịa.
Bài viết thuộc bản quyền của Ăn Chơi Vũng Tàu.