Nhà Tù (Prison) Văn Ngọc Vũng Tàu
Giới thiệu
Vũng Tàu có một ngôi nhà kỳ dị, không giống bất cứ ngôi nhà nào, cái tên cũng rất quái: Prison (nhà tù) Văn Ngọc.
Căn nhà này, khi họa sĩ Văn Ngọc mua, nó loằng ngoằng khi cứ hai mét là có một cột điện, dây xanh, dây đỏ. Anh treo tranh lên, nhận thấy tranh khiến cột điện đẹp, cột điện lại làm tranh đẹp hơn. Hóa ra căn nhà nơi mình ở là một tác phẩm. Vậy là 20 năm qua, Văn Ngọc miệt mài lao động, sáng tạo trong căn nhà nghệ thuật này.
Là nơi lưu giữ 4.000 tác phẩm, hàng chục bộ tác phẩm lớn, bản thân ngôi nhà cũng là một tác phẩm độc đáo. Như người bị thôi miên trong nghệ thuật sắp đặt, mỗi miếng gỗ, mảnh ván, khung sắt được đưa từ xưởng vào nhà là Văn Ngọc biến nó thành tác phẩm riêng biệt.
Khi đặt ở vị trí nào đó, trong không gian ngôi nhà, nó trở thành một tác phẩm với ngôn ngữ riêng. Ngay cả mảng tường với những tác phẩm để gần nhau, theo sự sắp đặt, lại tiếp tục tạo nên bức tranh mới, khác biệt.
Prison Văn Ngọc mang đến cho ta sự thưởng ngoạn thú vị, đầy cảm xúc bởi nét phong phú, đa dạng của những hình khối hội họa, tạo nên một cách nhìn lạ, mới mẻ. Từng góc nhỏ toát lên hơi thở của đời sống chủ nhân, cũng chính đời sống trong ngôi nhà ấy lại tạo nên bức tranh với liên tưởng, ý niệm về nghệ thuật đương đại.
Ngay cả ánh nắng hắt vào, sự chiếu sáng của ngọn đèn cũng tạo nên cái nhìn mới, sắc diện mới. Những miếng gỗ, cái ghế, giá đựng ly chén, máy giặt, những món đồ gia dụng hằng ngày và âm thanh phát ra từ đó đều trở thành nghệ thuật với sự sắp đặt hài hòa của họa sĩ Văn Ngọc. Khách thăm viếng, sự hiện diện của chủ nhà cũng góp thêm nét chấm phá, những cảm xúc khác biệt cho căn nhà.
Những vật thể tưởng vô tri, vô giác đâu đó ngoài đường, khi vào tay Văn Ngọc bỗng có cơ hội cất lên tiếng nói của mình. Những tiếng nói ấy hòa điệu cùng dấu ấn và tâm hồn họa sĩ.
Một ngày lưu lại đây, bạn sẽ cảm nhận được sự chuyển dịch của thời gian với những hiệu ứng cảm xúc khác nhau trong từng tác phẩm và tổng thể ngôi nhà. Sự chuyển động ấy khiến Văn Ngọc không thể dừng lao động, sáng tạo, với anh: “Nghệ thuật phải có đời sống. Ngôi nhà là sự kết nối giữa sáng tạo và đời thực”.